Giá than đá thấp nhất 2 năm, cung đang vượt cầu
Bất cứ khi nào giá than giảm thì những người phản đối các nhiên liệu gây ô nhiễm đều nghĩ rằng nhu cầu đang giảm bởi người tiêu dùng chuyển sang sử dụng những năng lượng tái tạo sạch hơn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nguyên nhân giá giảm chủ yếu bởi dư thừa nguồn cung.
Giá than đá tại Châu Á, nhất là loại than nhiệt tại cảng Newcastle (dùng tham chiếu cho thị trường toàn khu vực) đã liên tục giảm trong mấy tuần gần đây, mặc dù xuất khẩu vẫn tăng lên.
Giá than này trung bình trong tuần kết thúc vào 9/6 giảm xuống 72,01 USD/tấn, thấp nhất trong vòng 2 năm và thấp hơn 40% so với mức cao nhất 7 năm đạt được vào tháng 7/2018 (là 119,74 USD/tấn).
Than nhiệt Indonesia (chất lượng thấp, năng lượng 4.200 kCal/kg) giảm chậm hơn than chất lượng cao, nhưng mấy tuần nay cũng đi xuống. Cụ thể, than Indonesia tuần kết thúc vào 7/6/2019 giá chỉ 36,66 USD/tấn, so với 40,32 USD/tấn hồi tháng 3/2019 và cũng mất 28% so với mức cao nhất 6,25 năm đạt được vào tháng 2/2018 (51,04 USD/tấn).
Giá giảm như vậy mặc dù xuất khẩu của những nhà cung cấp than chính cho thị trường Châu Á (qua đường biển) đều gia tăng lượng xuất khẩu.
Australia – nước cạnh tranh với Indonesia danh hiệu nhà xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới – đã xuất khẩu 31,74 triệu tấn than trong tháng 5/2019, tăng nhẹ so với 31,53 triệu tấn của tháng 5/2018, theo số liệu của công ty theo dõi tàu và cảng Refinitiv. Trong 3 tháng tính tới tháng 5/2019, xuất khẩu than Australia đạt 96,37 triệu tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2018.
Xuất khẩu của Indonesia cũng tăng, đạt tổng cộng 35,54 triệu tấn trong tháng 5/2019, tăng so với 30,77 triệu tấn cùng tháng năm trước, tính chung 3 tháng kết thúc vào tháng 5/2019, xuất khẩu đạt 102,82 triệu tấn, tăng 13,5% so với 90,6 triệu tấn cùng kỳ năm 2018.
Ngay cả nước xuất khẩu lớn thứ 3 là Nam Phi, nơi gặp nhiều khó khăn liên quan đến công suất và thời tiết tại cảng xuất khẩu Vịnh Richards, nước này cũng đã tăng nhẹ lượng xuất khẩu trong giai đoạn tháng 3-5/2019, đạt tổng cộng 19,23 triệu tấn, cao hơn 4% so với 18,49 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu nhập khẩu
Hai nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cũng tăng cường mua. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng 5,6% lên 127,39 triệu tấn.
Còn Ấn Độ thì tăng nhập khẩu kể cả khi giá than còn đắt. Số liệu của Refinitiv cho thấy trong tháng 4-5/2019 Ấn Độ nhập khẩu than nhiều nhất kể từ khi Refinitiv bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 2015. Cụ thể, tháng 5/2019 Ấn Độ nhập khẩu 20,28 triệu tấn, giảm nhẹ so với 20,34 triệu tấn của tháng 4/2019, nhưng so với cùng kỳ năm 2019 thì cả 2 tháng này đều tăng mạnh, đạt lần lượt 17,08 triệu tấn (tháng 5/2019) và 15,95 triệu tấn (tháng 4/2019).
Ở Nhật Bản, nước nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới, chính sách hạn chế nhập khẩu đã có ảnh hưởng chút ít, với lượng nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2019 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 61,39 triệu tấn. Số liệu thống kê chính thích về tháng 5 sẽ được công bố vào cuối tháng 6/2019.
Còn tại Hàn Quốc, nhà nhập khẩu than lớn thứ 4 Châu Á, tốc độ nhập khẩu đang giảm nhanh, lượng nhập trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 41,8 triệu tấn, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, một số nhà nhập khẩu mới nổi ở Châu Á lại tăng cường mua vào. Số liệu Reuters thu thấp cho thấy Việt Nam đã nhập 4,02 triệu tấn than trong giai đoạn tháng 2-5/2019, so với 950.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu thống kê từ vận tải đường thủy cho thấy nhu cầu từ các khách hàng lớn ở Châu Á năm nay đều tăng. Có thể nguyên nhân chính bởi giá rẻ - yếu tố giải thích việc Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu trong thời gian gần đây.
Cũng có thể do một nguyên nhân khác, đó là giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm gây áp lực cho giá than. Giá LNG giao sang Trung Quốc đã giảm xuống 4,25 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU) trong tuần kết thúc vào 10/6/2019, thấp nhất trong vòng 3 năm.
Nhưng một lý do không thể bỏ qua là các nhà sản xuất than đang cung cấp nhiều hơn nhu cầu của người mua nên phải hạ giá để hấp dẫn khách hàng.