MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá than tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm

05-03-2022 - 07:13 AM | Thị trường

Giá than tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã gây sốc cho thị trường than và các năng lượng khác, khiến giá than Newcastle – tham chiếu cho thị trường thế giới – tăng vọt trong những ngày gần đây và dự báo sẽ còn duy trì cao như hiện tại đến quý 4.

Căng thẳng leo thang ở Đông Âu đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung than trong bối cảnh thị trường vốn đang rất thiếu cung do sự gián đoạn nguồn cung ở các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Indonesia và Australia, giữa lúc giá dầu và các mặt hàng khác cũng tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm.

Giá than nhiệt tham chiếu trên thị trường thế giới tuần này tăng vọt lên mức cao kỷ lục, có lúc đạt 446 USD/tấn, trong khi đầu năm 2022 giá chào bán chỉ là 175 USD/tấn.

Nhà phân tích Rory Simington của Wood Mackenzie cho biết: "Giá than nhiệt trên thị trường châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục lịch sử, với giá các hợp đồng giao sau cho đến quý 4 năm 2022 vẫn đạt trên 400 USD/tấn".

Giá trên thị trường châu Á cũng đã phản ứng với việc giá than Newcastle vượt 400 USD/tấn. Theo đó, giá than luyện kim, được sử dụng trong sản xuất than cốc và sử dụng trong lò cao, tăng đột biến, với giá than PCI - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga - tăng vọt lên mức chưa từng có, gần đạt 400 USD/tấn", Wood Mackenzie cho biết.

Giá than tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm  - Ảnh 1.

Giá than Newcastle.

Một số người mua ở Nhật Bản và châu Âu cho biết họ đang tìm cách thay thế nguồn cung của Nga, và than nhiệt từ các nước châu Âu khác ngoài Nga đang hút khách hàng với giá cao hơn đáng kể so với giá than nhiệt của Nga.

Thông tin từ Wood Mackenzie cho biết, các khách hàng mua than ở các thị trường bao gồm châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang tranh giành nhau để mua than ở những nguồn thay thế khác thay cho nguồn cung từ Nga.

Mặc dù các lệnh trừng phạt Nga được công bố cho đến nay vẫn biệt loại trừ lĩnh vực xuất khẩu năng lượng, nhưng người mua than đang phản ứng với hai lĩnh vực gây lo ngại nhất:

Một là hiệu suất - liệu than của Nga có thực sự được chuyển giao không? Nhà sản xuất than luyện kim của Nga, KRU, đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với hàng hóa đến các cảng miền Tây nước Nga kể cả trước khi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine leo thang, do tình trạng vận tải đường sắt vốn đã bị suy giảm. Một số nhà sản xuất than lớn khác của Nga cũng tuyên bố bất khả kháng đối với các chuyến hàng chuyển đi do sự chậm trễ trong vận chuyển đường sắt vì nhiều lý do.

Mối quan tâm thứ hai liên quan đến rủi ro từ phía đối tác. Các hạn chế tài chính đối với các ngân hàng Nga và các tổ chức khác có thể ngăn cản một số người mua (và ngân hàng của họ) giao dịch với các nhà cung cấp của Nga. Thêm vào đó là lo ngại rằng các lệnh trừng phạt có thể được mở rộng trong tương lai và tác động lên thị trường than, bởi nếu điều đó xảy ra thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hoạt động nhập khẩu than có thể sẽ vẫn được duy trì tương đối bình thường, bởi nếu gián đoạn nguồn cung từ Nga quá lâu có thể gây thiệt hại cho cả Nga và các nước nhập khẩu, khi mà các nước Châu Âu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn than Nga.

Than của Nga chiếm khoảng 30% nhập khẩu than luyện kim của châu Âu và gần 70% nhập khẩu than nhiệt của châu Âu. Các khách hàng ở Bắc Á, là Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng tiếp xúc đáng kể với than của Nga với than nhiệt của Nga - chiếm 20% nhập khẩu của Hàn Quốc và hơn 10% của Nhật Bản; trong khi than luyện kim của Nga chiếm lần lượt hơn 15% và 5% nhập khẩu của các thị trường Bắc Á.

Nga là nhà sản xuất than lớn thứ 6 trên thế giới, đã xuất khẩu 223 triệu tấn vào năm 2021. Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 90 triệu tấn than nhiệt của Nga và 25 triệu tấn than luyện kim của Nga vào năm 2021. Trung Quốc là khách hàng than lớn nhất của Nga. Than của Nga chiếm 17,6% nhập khẩu than của Trung Quốc năm 2021, là 324 triệu tấn.

Những loại than mà Nga xuất khẩu chủ yếu là than nhiệt năng lượng cao và than PCI - không thể thay thế được khi thị trường cung cấp than toàn cầu hiện đang rất eo hẹp do dịch Covid-19 gây thiếu hụt nhân lực trong ngành khai thác than ở nhiều nơi, trong đó có Trung Quốc, và lũ lụt ở một số khu vực khai thác của Australia cũng như quyết định cấm xuất khẩu than của Indonesia hồi tháng 1. Than nhiệt của Nga chiếm 17% thương mại than toàn cầu, trong khi than luyện cốc chiếm 9%.

Các nhà máy điện hiện đang sử dụng loại than này được thiết kế đặc biệt để chạy than năng lượng cao và không có khả năng chuyển đổi loại than. Các nhà máy thép cũng sẽ gặp thách thức trong việc thay thế loại than PCI của Nga do tình trạng thiếu hụt nguồn cung giao ngay toàn cầu hiện nay, đặc biệt là than của các nước ngoài Australia.

Về phía Nga, nước này cũng sẽ không thể nhanh chóng bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu từ phía châu Âu bằng cách chuyển hướng sang châu Á (Trung Quốc) do năng lực đường sắt hướng đông vẫn còn hạn chế.

Tham khảo: Australianmining

https://cafef.vn/gia-than-tang-gap-25-lan-so-voi-dau-nam-20220305002834047.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên