Giá than tăng sốc 9% trong một ngày, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng
Giá than tại Trung Quốc đã tăng khoảng 9% trong ngày 18/10, đạt mức cao kỷ lục mới do nguồn cung vẫn khan hiếm bất chấp Bắc Kinh đã tăng vường nỗ lực thúc đẩy sản lượng.
- 18-10-2021Châu Á điên cuồng khai thác than không đồng nghĩa cơn khủng hoảng năng lượng sẽ chấm dứt
- 11-10-2021Giá than châu Á lập kỷ lục cao mới do cơn "khát" nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện Trung Quốc và Ấn Độ
- 10-10-2021Trung Quốc, Ấn Độ thiếu than ảnh hưởng sao đến kinh tế thế giới?
Theo đó, giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 1/2022 phiên 18/10 có lúc tăng 9% lên 3.869 nhân dân tệ (601,24 USD)/tấn, kết thúc phiên vẫn cao hơn 8,4% so với phiên liền trước (15/10), đạt 3.847 nhân dân tệ/tấn.
Giá than cốc kỳ hạn tương lai cũng tăng 9% trong phiên này, lên 4.344 nhân dân tệ/tấn.
Giá than nhiệt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Trịnh Châu đã đạt mức cao kỷ lục lịch sử, 1.669,40 nhân dân tệ (259,42 USD)/tấn vào ngày 15/10. So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá than nhiệt tại Trung Quốc đã tăng hơn 200%.
Tình trạng cung ứng than bị thắt chặt ở Trung Quốc vẫn chưa hề giảm bớt, đặc biệt là khi Chính phủ cần đảm bảo nhu cầu điện để sưởi ấm trong mùa đông.
Số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho hay, nước này đã sản xuất 334,1 triệu tấn than trong tháng 9/2021, giảm so với 335,24 triệu tấn của tháng 8/2021 và giảm 0,9% so với cùng tháng năm ngoái. Trong đó, riêng sản lượng than cốc trong tháng 9 giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 37,18 triệu tấn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đã thêm trầm trọng khi một đợt không khí lạnh tràn đến từ thứ Sáu (15/10), làm nhiệt độ giảm trên phần lớn nước này, buộc các nhà máy điện phải "tranh giành" nhau tích trữ than, đẩy giá than tăng lên những kỷ lục cao mới.
Nhu cầu điện để sưởi ấm cho các ngôi nhà và văn phòng dự kiến sẽ tăng cao trong tuần này cùng với đợt gió mùa đông bắc. Cơ quan khí tượng dự báo nhiệt độ trung bình ở một số khu vực miền Trung và miền Đông Trung Quốc có thể giảm đi khoảng 16 độ C trong những ngày tới.
Nhiệt độ ở miền Bắc Trung Quốc giảm xuống dưới mức bình thường, đẩy tăng mạnh nhu cầu sưởi ấm
Tình trạng thiếu than, giá nhiên liệu cao và nhu cầu bùng nổ trong lĩnh vực công nghiệp sau đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chế độ phân phối hạn ngạch điện đã được áp dụng tại ít nhất 17 trong số hơn 30 khu vực ở Trung Quốc kể từ tháng 9, buộc một số nhà máy phải tạm ngừng sản xuất và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Chính sách chuyển sang sử dụng nhiên liệu xanh hơn cũng góp phần dẫn tới sự gián đoạn sản xuất ở nhiều nhà máy.
Bản đồ phân phối điện ở Trung Quốc: Các tỉnh có những mức độ cắt giảm điện khác nhau.
Ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc là Cát Lâm, Hắc Long Giang và Liêu Ninh – nằm trong số những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu điện vào tháng trước - và một số khu vực ở miền Bắc Trung Quốc, bao gồm Nội Mông và Cam Túc, đã bắt đầu có nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông để đối phó với thời tiết lạnh giá hơn bình thường - chủ yếu là điện sản xuất từ than đá.
Bắc Kinh đã thực hiện một loạt các biện pháp để kiềm chế giá t tăng, bao gồm tăng sản lượng than trong nước và cắt điện đối với các ngành công nghiệp và một số nhà máy sử dụng nhiều điện trong thời kỳ nhu cầu cao điểm. Chính phủ đã nhiều lần cam kết với người sử dụng rằng nguồn cung cấp năng lượng sưởi ấm sẽ được đảm bảo trong mùa đông.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào đầu năm tới. Các nhà phân tích và thương nhân đều dự báo mức tiêu thụ điện công nghiệp sẽ giảm 12% trong quý IV do nguồn cung than thiếu hụt và chính quyền địa phương phải ưu tiên điện cho người sử dụng là dân cư.
Đầu tuần qua, Trung Quốc, bằng bước đi táo bạo nhất trong cuộc cải cách ngành điện kéo dài hàng thập kỷ, cho biết họ cho phép giá nhiệt điện dao động tới 20% so với mức cơ bản kể từ ngày 15 tháng 10, cho phép các nhà máy phát điện chuyển phần chi phí phát điện tăng sang người sử dụng là lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Được biết, Trung Quốc đặt mục tiêu "trung hòa carbon" vào năm 2060, và Bắc Kinh đang cố gắng giảm phụ thuộc vào nguồn điện than gây ô nhiễm để chuyển sang sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện.
Mặc dù vậy, dự kiến than đá sẽ vẫn cung cấp phần lớn nhu cầu điện ở Trung Quốc thêm một thời gian nữa.
Các nhà sản xuất thép, nhôm, xi măng và hóa chất dự kiến sẽ phải đối mặt với chi phí điện năng tăng và biến động nhiều hơn theo chính sách mới, gây áp lực lên biên lợi nhuận. Dữ liệu mới đây cho thấy lạm phát giá tại nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 9 đã lên mức cao kỷ lục. Theo đó, giá sản xuất ở Trung Quốc tháng 9/2021 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong vòng ít nhất 25 năm. Trong khi đó, thời tiết mùa đông lạnh giá có thể làm cho tình hình xấu thêm nữa.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn về nguồn cung cấp điện, điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu và mất điện ở một số quốc gia. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã cho thấy những khó khăn trong việc cắt giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại các cuộc đàm phán ở Glasgow vào tháng tới.
Giá than tăng trên toàn cầu do nhu cầu sử dụng điện bùng nổ và nguồn cung ở Trung Quốc khan hiếm.
Tham khảo: Marketwatch, Refinitiv