MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá than vọt lên cao nhất 2 tháng sau khi Indonesia cấm xuất khẩu

05-01-2022 - 07:07 AM | Thị trường

Giá than vọt lên cao nhất 2 tháng sau khi Indonesia cấm xuất khẩu

“Lò” than thế giới chưa kịp nguội đã nóng trở lại ngay trong những ngày đầu năm mới sau khi Indonesia – nhà xuất khẩu than nhiệt hàng đầu thế giới – thông báo tạm dừng xuất khẩu mặt hàng này để ưu tiên cho thị trường trong nước, tránh tình trạng nguồn cung điện có nguy cơ bị gián đoạn như Trung Quốc.

Giá than tại Trung Quốc tăng vọt lên mức cao nhất nhiều tháng sau thông tin này, giữa bối cảnh thị trường lạc quan về triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép ở Trung Quốc – nước sản xuất thép hàng đầu thế giới.

Giá than nhiệt kỳ hạn tháng 5 giao dịch trên sàn Trịnh Châu (Trung Quốc) ngày 4/1 có lúc tăng 7,3% lên 708 nhân dân tệ (111,10 USD)/tấn, kết thúc phiên vẫn tăng 5,5% so với phiên giao dịch liền trước, phiên tăng nhiều nhất kể từ ngày 25 tháng 11.

Tương tự, giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên phiên 4/1 tăng 5,7% lên 2.337 nhân dân tệ (367,74 USD)/tấn lúc kết thúc phiên, trong phiên có lúc đạt 2.370,50 nhân dân tệ trước đó trong phiên, cao nhất kể từ ngày 28/10.

Giá than cốc – than đã qua chế biến và được sử dụng làm chất khử chính trong quá trình luyện quặng sắt thành thép – cũng tăng tăng 4,8% lên 3.047 nhân dân tệ/tấn, trong phiên có lúc đạt 3.050 nhân dân tệ, mức cao nhất kể từ ngày 27 tháng 12.

Các nhà phân tích của Sinosteel Futures cho biết: "Trong ngắn hạn, các nhà máy thép sẽ dần khôi phục công suất sản xuất trở lại, điều đó sẽ có lợi cho giá than". Tuy nhiên, Trung Quốc sắp đến kỳ nghỉ Tết cổ truyền, giai đoạn các hoạt động sản xuất dừng nghỉ kéo dài, tiếp đến là Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng tới, sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu các nguyên liệu thép.

Than của Indonesia không phải loại dùng để luyện kim, nhưng việc thiếu hụt nguồn cung quan trọng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường than nói chung, tác động lây lan cả sang những ngành sử dụng nhiều than như thép, điện…Bất cứ việc gia hạn cấm xuất khẩu nào từ Indonesia, nếu có, sẽ gây áp lực tăng giá lên không chỉ than mà cả dầu nhiên liệu và than đá trong khu vực.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, thị trường này đã nhập khẩu 178 triệu tấn than Indonesia trong 11 tháng đầu năm 2021, chủ yếu là than nhiệt điện, chiếm hơn 60% tổng lượng than nhập khẩu của nước này.

Indonesia tạm cấm xuất khẩu than

Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia vừa ra công văn tạm thời cấm xuất khẩu than từ 1-31/1/2022 với tất cả các đối tượng là doanh nghiệp khai thác, kinh doanh than có các giấy phép IUP (Kinh doanh khai thác mỏ-Mining Business License); IUPK (kinh doanh khai thác, sản xuất, vận hành mỏ- Production Operation Special Mining Business License) và PKP2B (Hợp đồng đặc nhượng-Concession Agreement).

Theo đó, việc tạm cấm xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung than nguyên liệu cho các nhà máy điện than của Indonesia, ngăn ngừa rủi ro thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nước này; đồng thời buộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than phải hoàn thành nghĩa vụ cung ứng 25% tổng lượng than xuất khẩu cho thị trường nội địa.

Số liệu của Bộ trên đưa ra cho thấy trong tổng số 5,1 triệu tấn than các doanh nghiệp than phải có nghĩa vụ cung cấp cho thị trường nội địa theo quy định của Chính phủ thì mới chỉ có 35.000 tấn than được các doanh nghiệp than nước này cung ứng. Điều này gây ra rủi ro thiếu hụt điện nghiêm trọng, trên diện rộng với gần 20 nhà máy điện với tổng công suất 10.850MW sẽ phải ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu.

Theo số liệu của Bộ Năng Lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, tính đến ngày 17/12/2021, tổng sản lượng than của Indonesia đạt 581,17 triệu tấn, đạt gần 93% mục tiêu kế hoạch khai thác đặt ra cho năm 2021 là 625 triệu tấn. Cùng với đó, sản lượng than đã sản xuất của Indonesia đến 17/12/2021 đã vượt qua con số 565,69 triệu tấn là tổng sản lượng cả năm 2020.

Chính phủ Indonesia cho biết khi nguồn cung than nội địa được đáp ứng đầy đủ, các doanh nghiệp sản xuất than sẽ được nối lại hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Cùng với đó, sản lượng than đã sản xuất của Indonesia đến 17/12/2021 đã vượt qua con số 565,69 triệu tấn là tổng sản lượng cả năm 2020.

Thông báo tạm ngừng cấm xuất khẩu than của Chính phủ cũng gây bất ngờ đối với cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu than Indonesia. Tuy nhiên, nhiều khả năng, Chính phủ Indonesia sẽ sớm phải xem xét, điều chỉnh quyết định này do sức ép từ phía cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than Indonesia.

Đánh giá sơ bộ về tác động

Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia được đưa ra trong bối cảnh thị trường than vừa trải qua giai đoạn hỗn loạn sau khi giá tăng kỷ lục vào năm ngoái do nguồn cung từ Trung Quốc giảm khiến một số khu vực của nước này không có đủ điện để dùng, nhiều nhà máy phải dừng hoạt động vì mất điện. Hợp đồng than kỳ hạn tương lai trên sàn Trịnh Châu ngày 19/10/2021 đã tăng lên mức kỷ lục 1.848 nhân dân tệ.

Zhai Kun, nhà phân tích của Guotai Junan Futures cho biết: "Than Indonesia chủ yếu được vận chuyển đến các vùng ven biển ở phía đông và nam Trung Quốc và chiếm khoảng 20% tổng nguồn cung trong khu vực".

"Việc loại bỏ 40% lượng than vận chuyển qua đường biển chỉ trong mọt ngày, giữa bối cảnh nhu cầu cao điểm vào mùa đông, có thể khiến chúng ta một lần nữa phải hứng chịu sự tăng giá than đá", báo cáo của Morgan Stanley cùng và Marius van Straaten viết.

Theo ông Zhai Kun của Guotai Junan Futures, lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia sẽ gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung than tại thị trường Trung Quốc vì sản lượng than nội địa của Trung Quốc đã ở mức cao kỷ lục.

Trung Quốc đã cung cấp kỷ lục 370,84 triệu tấn than cho thị trường trong nước tháng 11/2021 để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho mùa sưởi ấm mùa đông. Tuy nhiên, sản lượn nội địa dự báo sẽ sụt giảm do các nhà máy điện giảm tốc độ bổ sung kho dự trữ trong khi chính phủ tiến hành xử lý nghiêm khắc việc khai thác bất hợp pháp.

Một nhà kinh doanh than ở Singapore cho biết: "Việc cắt giảm nguồn cung tổng thể là chắc chắn vì nhiều công ty khai thác Indonesia đã tuyên bố là bất khả kháng."

Trong một báo cáo phối hợp giữa Morgan Stanley cùng và Marius van Straaten, các nhà phân tích cho rằng bất cứ sự gián đoạn nào đối với than nhiệt xuất khẩu của Indonesia cũng có thể khiến giá than thế giới tăng trở lại, và dự báo giá than nhiệt chất lượng cao tại cảng Newcastle của Australia sẽ phổ biến ở mức 140 USD/tấn trong quý đầu tiên của năm 2022 sau lệnh cấm này. Giá than Newcastle đã tăng lên 270 USD/tấn vào tháng 10/2021, và hiện đang ở mức 152 USD/tấn, theo dữ liệu của Morgan Stanley. Giá tăng vọt như vậy là do nguồn cung eo hẹp và các quốc gia khắp châu Á phải chật vật trong tình trạng thiếu năng lượng.

Tham khảo: Reuters, Bloomberg

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên