Giá thép 'một tháng giảm 3 lần', đã xuống dưới 15 triệu đồng/tấn
Chỉ trong tháng 8, các doanh nghiệp đã điều chỉnh hạ giá thép theo tần suất khoảng 5 ngày/lần.
- 18-08-2023Giá thép lại 'dò đáy', giảm lần thứ 16 liên tiếp
- 09-08-2023Giảm lần thứ 15 liên tiếp, giá thép chạm đáy 3 năm
- 07-08-2023Xuất khẩu thép Trung Quốc vọt lên cao nhất 7 năm khiến ngành thép của quốc gia láng giềng 'rung chuyển' - Các nhà sản xuất nội địa kêu gọi tìm cách thoát ly
Ngày 23/8, một số doanh nghiệp sản xuất thép giảm 100.000 – 810.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, xuống còn 13,5-15 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, chủng loại. Đây là đợt giảm giá thứ 16-17 liên tiếp kể từ đầu năm 2023.
Theo dữ liệu từ Steelonline, doanh nghiệp thép Hòa Phát miền Bắc hạ 410.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300. Giá hai dòng thép sau điều chỉnh lần lượt ở mức 13,53 triệu đồng/tấn và 13,74 triệu đồng/tấn.
Tại miền Trung, thép cuộn CB240 được điều chỉnh giảm 210.000 đồng/tấn, hiện ở mức 13,53 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 150.000 đồng/tấn còn 13,74 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm 510.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống mức 13,53 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200.000 đồng/tấn, có giá 13,79 triệu đồng/tấn.
Thép Thái Nguyên hạ 410.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với dòng thép thanh vằn D10 CB300 và thép cuộn CB240. Hiện, giá hai dòng thép lần lượt ở mức 13,82 triệu đồng/tấn và 13,97 triệu đồng/tấn.
Trong đợt điều chỉnh này, thép Việt Ý chỉ hạ 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 còn 13,69 triệu đồng/tấn; thép CB240 giữ nguyên ở mức 13,64 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức tại miền Bắc và miền Trung cũng đồng loạt giảm 100.000 đồng/tấn với dòng D10 CB300, hiện lần lượt ở mức 13,74 triệu đồng/tấn và 14,14 triệu đồng/tấn. Thép CB240 ở miền Bắc và miền Trung vẫn giữ giá 13,89 triệu đồng/tấn và 14,04 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Việt Sing cũng giảm 200.000 đồng/tấn với cả hai dòng thép, hiện thép cuộn CB240 đang được giao dịch ở mức 13,3 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 còn 13,5 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina giảm 100.000 đồng thép thanh vằn D10 CB300 ở cả miền Trung và miền Nam xuống còn 14,38 triệu đồng.
Thép Tung Ho tại miền Nam hạ lần lượt 200.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn với thép CB 240 và D10 CB300, hiện hai mặt hàng thép đang ở mức 13,5 triệu đồng/tấn và 13,65 triệu đồng/tấn.
Đáng chú ý, trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Vina Kyoei có mức giảm mạnh nhất. Ở khu vực miền Nam, Vina Kyoei đồng loạt giảm 810.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép D10 CB300, xuống lần lượt 14,82 triệu đồng/tấn và 15,02 triệu đồng/tấn.
Trong cơ cấu các mặt hàng, thép xây dựng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng sản xuất, bán hàng thép, khoảng gần 40%. Tuy nhiên, lượng sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này vẫn ghi nhận giảm sâu so với cùng kỳ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và sự chững lại của thị trường bất động sản.
Thị trường xuất khẩu cũng không thuận lợi do suy thoái kinh tế, khiến lượng tiêu thụ đầu ra của các nhà máy sản xuất thép sụt giảm mạnh. Thêm vào đó, lượng hàng tồn kho lớn, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng gặp nhiều khó khăn và thiếu điện phục vụ sản xuất cũng đẩy chi phí của các doanh nghiệp tăng cao.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ S&P Global Commodity, ngành thép Trung Quốc đang chịu áp lực tồn kho tăng cao. Cụ thể, tồn kho thép cây tại phía đông Hàng Châu tính đến ngày 18/8 tăng khoảng 15% so với đầu tháng 7 và tăng 50% so với một năm trước đó. Trong khi đó, tồn kho thép dài ở phía bắc Bắc Kinh - chủ yếu là thép cây và thép cuộn tăng 22% so với đầu tháng 7.
Việc Trung Quốc tồn kho thép lớn và liên tiếp giảm giá bán cũng như giá xuất khẩu đã và đang tác động trực tiếp thị trường thép trong nước.
Nhịp sống thị trường