Giá thép và nguyên liệu đang giảm nhanh
Giá thép và nguyên liệu thép Trung Quốc gần đây đảo chiều giảm, sau khi nước sản xuất thép lớn nhất thế giới nới lỏng chính sách nhập khẩu thép phế. Trong thời gian tới, thị trường thép và nguyên liệu thép thế giới sẽ chịu tác động từ một số yếu tố trái chiều, theo đó chi phí sản xuất dự báo sẽ tăng, nhưng nhu cầu nguyên liệu thép của Trung Quốc có thể không tăng nhiều như thời gian qua.
- 09-03-2021Giá quặng sắt "bốc hơi" 10% trong ngày 9/3, giá thép các loại cũng sụt mạnh
- 05-03-2021Giá quặng sắt có dấu hiệu đã qua "đỉnh" và bắt đầu đi xuống theo giá thép
Giá thép phế nhập khẩu (cfr Trung Quốc) ngày 10/3 ở mức 495 - 500 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với mức 515 - 520 USD/tấn một tuần trước đó, do nguồn cung tại nước này gia tăng và giá thu mua thép phế của một số nhà máy sụt giảm.
Ở các thị trường khác, thép phế HS của Nhật Bản (tương đương loại HRS101 nhập khẩu vào Trung Quốc) ngày 10/3 chào giá 500 - 505 USD/tấn (cfr các cảng phía Đông của Trung Quốc). Các nhà xuất khẩu thép phế Nhật Bản hôm 10/3 chào bán 180.000 tấn thép phế cho khách hàng Trung Quốc với giá 495 - 500 USD/tấn (cfr), khiến các nhà nhập khẩu thép phế trong khu vực lo ngại thị trường sắp sang giai đoạn nguồn cung dư thừa, nhất là khi người mua chỉ chấp nhận mua 60.000 tấn thép phế Shindachi và HS chất lượng tốt với giá lần lượt là 48.500 JPY (454 USD) và 47.500 JPY/tấn, fob Nhật Bản. Thậm chí có hãng Nhật Bản đặt giá chào thầu giá thép phế H2 cho khách hàng Hàn Quốc ở mức chỉ 43.000 JPY/tấn, fob. Đáng chú ý là mức giá chào bán này thấp hơn tới 500 JPY/tấn so với giá chào mua của một số hãng thép.
"Những người bán (thép phế) đang tìm cách thu tiền và lợi nhuận về ngay bây giờ", một nguồn thông tin từ Nhật Bản cho biết, và thêm rằng: "Có vẻ như thị trường sắp đạt 'đỉnh', hoặc giá hiện đang là mức 'đỉnh'".
Giá quặng sắt và thép thành phẩm ở Châu Á gần đây cũng chung xu hướng giảm, khiến nhiều nhà nhập khẩu tạm dừng mọi hoạt động nhập khẩu để nghe ngóng tình hình.
Ngày 11/3, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 - tham chiếu cho toàn thị trường quặng sắt - trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) ở mức 1.065 CNY (tương đương163,89 USD)/tấn; quặng sắt nhập khẩu vào cảng biển Trung Quốc ở mức 166 USD/tấn.
Đối với thép, giá thép thanh xây dựng ở miền Đông Trung Quốc đầu tuần này ở mức 4.640-4.670 CNY/tấn, giảm 80-90 CNY (12,36-13,91 USD) /tấn so với cuối tuần trước.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cũng lùi xa dần khỏi mức cao kỷ lục. Theo đó, thép thanh hiện khoảng 4.710 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng khoảng 4.760 CNY/tấn.
Sự thiếu chắc chắn về triển vọng thị trường thép nói riêng và các nguyên liệu công nghiệp nói chung xuất phát từ việc kỳ họp Lưỡng hội (Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc) bàn thảo về kế hoạch 5 năm tiếp theo đã không đặt trọng tâm vào mức độ tăng trưởng kinh tế. Các thị trường đang chờ xem hàng loạt những chính sách kinh tế mà Trung Quốc sẽ thực hiện sau kỳ họp này, bao gồm khả năng thắt chặt cung ứng tiền tệ để giảm nới lỏng định lượng và ngăn chặn tình trạng phát triển quá nóng của thị trường tài chính tiền tệ.
Diễn biến thị trường sắt thép và động thái Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thép phế gần đây đang là tâm điểm theo dõi của những người trong ngành này, bởi việc Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu thép phế liệu có thể khiến giá mặt hàng này thay đổi.
Trước đó, thông tin cho biết, bắt đầu từ tháng 1/2021, Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thép phế liệu -vốn được ban hành 2 năm trước đó; đồng thời giảm thuế nhập khẩu thép phế liệu phục vụ cho tái sản xuất thép xuống còn 0%. Hiện tại, một số công ty nước này đã bắt đầu tận dụng chính sách trên để nhập khẩu.
Về tác động đối với thị trường toàn cầu, nếu nước này tăng nhập khẩu thép phế liệu nhưng vẫn duy trì nhập khẩu thép thành phẩm thì giá thép phế liệu toàn cầu sẽ tăng lên. Còn nếu Trung Quốc tăng nhập khẩu phế liệu nhưng giảm nhập khẩu thương phẩm thì cục diện ngành thép nước này nhìn chung sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc nhập khẩu nhiều phế liệu và xuất khẩu phôi vào các nhà máy châu Á và các công ty thấy rằng nhập khẩu phôi từ Trung Quốc hiệu quả hơn so với nhập phế liệu thì nhu cầu nhập khẩu thép phế liệu của các nước ngoài Trung Quốc sẽ giảm.
Một số chuyên gia cho biết, trước đây khi Trung Quốc phát triển lò cao thì lò hồ quang điện không hoạt động được. Mãi cho đến khi nước này theo đuổi chính sách phát triển công nghệ xanh, thân thiện môi trường, các lò hồ quang điện mới có đất phát triển. Và nay, việc nhập khẩu thép phế liệu trở lại không những ảnh hưởng đối với giá thép phế trên thị trường thế giới mà còn có lợi cho các lò cao trong năm 2021. Như vậy, với xu thế này lò điện sẽ bất lợi hơn lò cao.
Tham khảo: Metalbulletin, mysteel