MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá thịt lợn đẩy lên quá cao, lợi nhuận vào túi ai?

12-10-2018 - 10:51 AM | Thị trường

Mặc dù ngày 10.10.2018, Tập đoàn C.P - doanh nghiệp được coi là “ông lớn” của ngành chăn nuôi tuyên bố giảm giá lợn hơi 500đ/kg, ngày 11.10, tại các tỉnh phía Nam giá lợn hơi trên thị trường vẫn tăng mạnh, có nơi đạt mức 56.000đ/kg. Mỗi kg thịt lợn bán ra, người nuôi đang hưởng lãi “khủng” từ 15.000 - 20.000đ/kg, người tiêu dùng phải ăn thịt lợn với giá cao khi nguồn cung không thiếu. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiên quyết: Cần giảm giá lợn hơi xuống mức 45.000đ/kg.

Giá lợn hơi liên tục lập “đỉnh” mới, bộ trưởng kêu gọi giảm giá

Trong những ngày qua, giá lợn hơi trên thị trường có một số biểu hiện bất thường. Nếu như trước đây, giá tại khu vực phía Nam luôn ở mức thấp nhất, giá tại miền Bắc cao nhất, thì thời gian gần đây giá tại các tỉnh phía Nam vượt qua mức giá lợn hơi tại thị trường miền Bắc. Ngày 11.10.2018, giá lợn hơi các tỉnh phía Nam cao nhất cả nước. Trong đó, những địa phương như Trà Vinh, Tiền Giang giá tăng mạnh nhất lên đến 55.000 - 56.000đ/kg. Một vài tỉnh khác như Vĩnh Long tăng khoảng 1.000đ/kg với mức giá 54.000đ/kg. Tại Bình Dương, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, TPHCM... mức giá lợn hơi dao động trong mức 53.000 - 54.000đ/kg... Giá lợn hơi tại thị trường Miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục dao động trong khoảng 52.000 - 54.000đ/kg; các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị giá lợn hơi khoảng 52.000 - 53.000đ/kg; Lâm Đồng: 52.000 đồng/kg… Tại miền Bắc, mặc dù đã giảm giá, nhưng mức giá đang phổ biến ở mức 50.000 - 54.000đ/kg, giá cao nhất vẫn ở 54.000đ/kg...

Nhìn rõ được sự tăng giá bất hợp lý này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã triệu tập cuộc họp khẩn, đề nghị các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn trong tháng 10 này giảm giá lợn xuống dưới 50.000đ/kg.

Giảm giá kiểu “đối phó”, lãi đang vào túi ai?

Một ngày sau lời đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ 10.10.2018, Tập đoàn chăn nuôi C.P đã hạ giá bán lợn hơi xuống 500đ/kg. Một số DN đang “nghe ngóng” để đưa ra mức giảm giá lợn hợp lý. Tuy nhiên, theo lời một số chủ trang trại chăn nuôi, mức giảm giá của C.P 500đ/kg là quá ít so với mức lãi 15.000đ-20.000đ/kg. Ông Nguyễn Văn Quân (Mê Linh-Hà Nội) thẳng thắn: Đây là giảm đối phó theo kiểu “giảm cho có”. Nếu như giai đoạn giá lợn hơi ở mức 20.000-22.000đ/kg thì còn nói thương lái và tiểu thương bán thịt lợn “ăn dày”, nhưng nay các DN đẩy giá lợn lên đến 50.000-56.000đ/kg, thực sự thương lái và tiểu thương không có lãi mà DN chăn nuôi đang hưởng lợi lớn. Nhận thấy số lượng lợn đến kỳ xuất chuồng trên thị trường không nhiều, nhiều trang trại còn ghìm hàng không bán. “Nếu như năm ngoái, thương lái ép người nuôi, thì năm nay người chăn nuôi kìm đàn bán ra để ép thương lái” - ông Quân chia sẻ. Còn theo ông Nguyễn Văn Đức - chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) - thì giá lợn hơi thời điểm hiện tại so với năm ngoái, đã tăng trên 200%, DN lãi lớn. Những trại có lợn đẹp còn không muốn bán ra vì muốn chờ giá cao hơn.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, giá thành chăn nuôi lợn hơi hiện nay khoảng 35.000đ-36.000đ/kg. Như vậy, với giá bán ra từ 50.000-56.000đ/kg, các DN chăn nuôi đang lãi từ 15.000-20.000đ/kg. Duy trì giá lợn hơi ở khung giá 45.000đ/kg là hợp lý để đảm bảo chăn nuôi bền vững, không thể “thả nổi” cho thị trường, bởi nếu giá tăng quá cao sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ thị trường và tác động đến người tiêu dùng. Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thanh Long - chủ một trang trại chăn nuôi ở Thanh Oai (Hà Nội) còn cho rằng nên giảm giá lợn hơi xuống mức thấp hơn và duy trì ở mức 40.000-42.000đ/kg là hợp lý”.

Giá thịt lợn đẩy lên quá cao, lợi nhuận vào túi ai? - Ảnh 1.

Bộ NNPTNT khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang ăn thịt gia cầm, cá, tôm, trứng... không nên chỉ tập trung ăn thịt lợn khi giá đang cao. Ảnh: KH.V


Giá lợn cao bất thường: Đáng lo hơn là mừng

Nhiều đại diện DN cho rằng, mức giá lợn hơi tăng cao hiện nay là “mức giá hạnh phúc” nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy, đáng lo ngại hơn là vui mừng, bởi các DN đều đẩy mạnh bán ra để “chớp thời cơ”, nhiều trang trại cũng sẽ tăng đàn, nhưng để xuất chuồng một con lợn cần 4-5 tháng. “Nửa năm sau, sang năm 2019 giá lợn hơi sẽ như thế nào, không ai nắm chắc được. Nếu lại khủng hoảng thừa, thì thiệt hại vẫn đổ lên đầu người chăn nuôi” - ông Nguyễn Xuân Dương cảnh báo.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt lưu ý, các DN phải rà soát lại để tiếp tục giảm giá. Không thể làm ăn kiểu khi giá lợn hơi sụt giảm thì đến “kêu” xin được can thiệp “giải cứu”; nhưng khi lãi rất lớn lại không chịu chia sẻ với người tiêu dùng. DN chăn nuôi hiện nay đang hưởng lãi lớn. Một số DN “lý luận”, yêu cầu cơ quan chức năng không can thiệp mà để giá lợn theo điều tiết của thị trường là không hợp lý, bởi theo cảnh báo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nếu không kìm mức tăng của thịt lợn xuống mức hợp lý, ngành chăn nuôi lợn sẽ gặp rủi ro rất sớm vì đánh mất thị trường. Giá bán do thị trường quyết định nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các thành tố trong chuỗi gồm: Người tiêu dùng, người chăn nuôi, doanh nghiệp và nhất là giữ được thị trường phát triển lâu dài, bền vững.

“Nếu để lợn hơi tiếp tục lên cao vô lý, trong khi thịt lợn tại nhiều quốc gia khác thấp hơn, chắc chắn thịt lợn sẽ theo dòng chảy phụ vào Việt Nam. Lúc đó, ngành chăn nuôi chắc chắn không thể cạnh tranh nổi” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai - cho biết: Hiện tỉnh Đồng Nai có khoảng 2,5 triệu con lợn. Lợn hơi không thiếu, nhưng giá tăng đột biến như thời gian vừ qua là vấn đề bất thường, cần tìm hiểu nguyên nhân để có hướng xử lý thích hợp. Cần tập trung công tác chỉ đạo đưa giá thành về mức hợp lý, vì hiện nay ngành chăn nuôi lợn chủ yếu tập trung tại các DN lớn và các DN FDI. Các hộ chăn nuôi sau một thời gian thua lỗ đã giảm đàn, nhiều hộ đóng chuồng, nay ở mức giá cao thì không còn lợn để bán. Như vậy, người chăn nuôi không được hưởng lợi gì hết. 

Theo Phong Nguyễn

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên