Giá thịt lợn tăng và người tiêu dùng đang bị móc túi
Giá thịt lợn vẫn đứng ở mức kỷ lục khi các công ty, hộ chăn nuôi đang có hiện tượng gửi giá, găm hàng… và người tiêu dùng đang bị móc túi.
- 23-12-2019Găm hàng đẩy giá thịt lợn, Bộ trưởng cảnh báo 'gậy ông đập lưng ông'
- 29-11-2019Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2019 tăng cao nhất trong 9 năm vì thịt lợn
- 27-11-2019Bloomberg: Lo ngại mâm cỗ Tết bị "đe dọa", Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu thịt lợn
Giá thịt lợn tăng sốc là hệ thống phân phối có vấn đề
Mặc dù giá thịt lợn ở cả 3 miền đã đứng và đang dần giảm xuống khoảng 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt lợn tăng "sốc" lên mức cao kỷ lục đã tạo ra nhiều hệ luỵ ảnh hưởng tới đời sống người dân, đặc biệt là khu vực dân có thu nhập thấp và áp lực lên lạm phát.
Cục quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, trước biến động mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên phạm vi cả nước, giá thịt lợn hơi giảm mạnh từ tháng 3 - 5 do người tiêu dùng hạn chế mua. Từ tháng 6 đến nay, giá thịt lợn tăng trở lại do nguồn cung sụt giảm trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Nguồn cung thiếu hụt khiến giá thịt lợn tăng cao.
Giá thịt lợn tăng cao và người tiêu dùng đang bị móc túi.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, bên cạnh nguồn cung thiếu, giá lợn tăng là do hệ thống phân phối chưa được tốt. Do ảnh hưởng của bệnh dịch, số lượng lợn trong dân chết nhiều, số lợn khỏe mạnh còn lại tập trung ở các công ty lớn. Nếu những công ty này điều phối tốt thị trường thì giá cả sẽ ổn định. Báo chí đã phản ánh nhiều về vấn đề neo giá, gửi giá, găm giá của các đơn vị phân phối lớn. Những công ty này nếu lên giá thì giá thị trường sẽ lên, nếu họ giảm giá thị trường cũng sẽ giảm.
"Nếu như không có chỉ đạo của Chính phủ thì liệu những "ông lớn" trong ngành chăn nuôi có giảm giá hay không? Thịt lợn là mặt hàng được bình ổn nhưng lại bình ổn theo giá thị trường, như vậy gọi gì là bình ổn?" - ông Phú nói.
Giá thành chăn nuôi của các công ty lớn chỉ ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg nhưng bán ra 80.000 - 90.000 đồng/kg là lãi quá cao. Người tiêu dùng bị móc túi oan và nhà kinh doanh lớn , một số hộ chăn nuôi được lãi to. Giá thịt lợn sẽ chỉ đứng ở 80.000 đồng/kg không giảm tiếp trong thời gian tới khi việc tái đàn chưa đáp ứng được nguồn cung thiếu hụt, ông Phú phân tích.
Giá thịt lợn được theo dõi, tính toán dự báo tác động đưa ra vào trong các kịch bản điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát chung. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành khác có liên quan, đề xuất các biện pháp bình ổn thị trường.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng đưa ra dự báo trong năm 2020, giá thịt lợn vẫn diễn biến phức tạp, việc tái đàn vẫn chưa đạt hiệu quả nên dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm.
Kiểm soát lạm phát sẽ khó khăn
Việc tăng sốc của giá thịt lợn do nguồn cung sụt giảm và dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong năm 2020, nên dự báo lạm phát năm 2020 sẽ phức tạp, khó lường hơn.
Cục Quản lý giá cho biết, để kiểm soát lạm phát mục tiêu cả năm 2020 bình quân dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động và nhất là kịch bản điều hành giá quý I/2020 là hết sức quan trọng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc quản lý và điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây.
“CPI và lạm phát không chỉ là kết quả của sự vận động hay quản lý, điều hành thị trường giá cả mà còn là hệ quả tất yếu của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó nổi bật là chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa” - ông Ánh nói.
Với các yếu tố tác động tới CPI như dự báo trên, sẽ không thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá vào quý I/2020 và thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết nhất là đối với mặt hàng thịt lợn, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, Tết./.
VOV