MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 13 lần: Quên 'mỏ vàng' trong nước

12-04-2022 - 09:00 AM | Thị trường

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 13 lần: Quên 'mỏ vàng' trong nước

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) liên tục tăng mạnh, đưa mặt hàng này thiết lập kỷ lục nằm trong nhóm hàng có đà tăng giá nhiều nhất. Trong khi phải chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu, các nhà sản xuất lại đang bỏ quên “mỏ vàng” phụ phẩm nông nghiệp trong nước.

Thuế nhập khẩu giảm, giá bán vẫn tăng

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, sau khi tăng giá bán trong tháng 3, từ đầu tháng 4 đến nay, các doanh nghiệp (DN) sản xuất TĂCN lớn tiếp tục điều chỉnh giá bán. Từ ngày 1/4, Cty TNHH CJ Vina Agri tăng 400 đồng/kg với tất cả thức ăn đậm đặc, thức ăn cho lợn con, bò. Ngoài ra, Cty cũng tăng 300 đồng/kg với thức ăn cho lợn nái, thịt; gà thịt, đẻ; vịt nuôi lấy thịt; dê...

“Tiềm năng chế biến, tái sử dụng của phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam có thể mang lại giá trị đến 4-5 tỷ USD/năm, nhưng thực tế mới khai thác được khoảng 275 triệu USD. Trong khi mỗi năm chúng ta phải nhập khoảng 10 tỷ USD các nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất TĂCN”. Đại diện Viện Chăn nuôi

Tương tự, Cty Greenfeed Việt Nam cũng thông báo đến hệ thống đại lý tăng thêm 300-400 đồng/kg cho các sản phẩm tùy loại. Riêng Cty TNHH TĂCN Việt Trung tăng tới 500 đồng một kg cho một số sản phẩm. Cty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam sau khi tăng 400 đồng/kg với thức ăn cho lợn con và 300 đồng/ kg với thức ăn hỗn hợp... trong tháng 3, thì vừa tiếp tục tăng 400 đồng/kg với hầu hết các sản phẩm chăn nuôi.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 13 lần: Quên mỏ vàng trong nước - Ảnh 2.

Giá các sản phẩm TĂCN tiếp tục tăng người chăn nuôi trong nước gặp khó

Theo các DN, nguyên nhân giá tăng là giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn tiếp tục lên cao do thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ. Đồng thời, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường.

Trong gần 2 năm trở lại đây, TĂCN đã tăng giá liên tiếp khoảng 13 lần, mỗi đợt tăng từ 200 đến 350 đồng/kg. Để giảm nhiệt đà tăng giá của mặt hàng này, cuối năm 2021, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu như lúa mỳ từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ người chăn nuôi. Tuy nhiên, trong khi người dân chưa một lần được DN thông báo giảm giá, thì từ đầu năm 2022, giá TĂCN tiếp tục leo thang.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Đức Thắng (Phù Cừ, Hưng Yên) cho biết, với giá TĂCN như hiện nay, người nuôi nhỏ lẻ, thậm chí là các trang trại phần lớn đều rơi vào thua lỗ. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, giá lợn hơi liên tục lao dốc khiến người chăn nuôi càng gặp nhiều khó khăn.

“Có thời điểm giá lợn hơi rớt xuống còn khoảng 30.000 đồng/kg, mỗi ngày mở mắt ra hợp tác xã lỗ cả trăm triệu đồng. Lúc đó, chúng tôi lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, bán không được nhưng giữ nuôi cũng chẳng xong. Từ năm ngoái đến nay, nhiều hộ dân trong xã tạm ngừng tái đàn, thậm chí không ít hộ đang bỏ trống chuồng”, ông Chiến cho hay.

Chi 10 tỷ USD nhập khẩu

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tiềm năng chế biến, tái sử dụng của phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam có thể mang lại giá trị đến 4-5 tỷ USD/năm, nhưng thực tế mới khai thác được khoảng 275 triệu USD. Trong khi mỗi năm chúng ta phải nhập khoảng 10 tỷ USD các nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Chu Mạnh Thắng, đại diện Viện Chăn nuôi cho biết, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu cho 100 triệu dân và còn thừa cho xuất khẩu. Hiện nay, nhiều phụ phẩm từ thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi… rất có tiềm năng để sản xuất TĂCN, nhưng chưa được tận dụng, rất lãng phí.

Chẳng hạn, phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch như rơm lúa với 42,8 triệu tấn, thân cây bắp 10 triệu tấn; rau, quả 3,6 triệu tấn, thân cây mì 3,1 triệu tấn, trái điều 3,1 triệu tấn và các loại khác 6,1 triệu tấn… nhưng mới chỉ khai thác được phần nhỏ. Các loại phụ phẩm giết mổ (nội tạng, tiết gia súc, gia cầm) ở các nước tiên tiến được sử dụng để sản xuất nguyên liệu TĂCN thì ở nước ta chủ yếu dùng cho người.

Theo đại diện Viện Chăn nuôi, nếu các nguyên liệu sẵn có tại địa phương được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, có thể giúp giá thức ăn chăn nuôi giảm 300-1.000 đồng/kg.

“Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm sử dụng các sản phẩm này để làm TĂCN, chúng tôi nhận thấy sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tương đương với các sản phẩm thức ăn hỗn hợp sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Nếu chúng ta giảm được 3% chi phí TĂNC sẽ giúp giảm được 2% giá thành sản phẩm”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, với đà tăng giá thức ăn chăn nuôi như hiện nay, nhiều trang trại có nguy cơ “treo” chuồng, đồng thời việc phục hồi chăn nuôi sau dịch COVID-19 sẽ càng chật vật hơn. Để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, theo ông Đoán, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích DN chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước việc giá nguyên liệu sản xuất TĂCN tiếp tục duy trì ở mức cao, Bộ NN&PTNT đang đề xuất giảm thuế thu nhập cho DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm. Đặc biệt, sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố ở Tây Nguyên và DN thành lập các hợp tác xã, tập trung chủ yếu vào trồng sắn và ngô để chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ông Tiến khuyến cáo các DN giảm bớt các khâu phân phối thương mại thức ăn chăn nuôi vì phần lớn đang qua nhiều kênh đại lý trung gian. Với những DN đã nhập khẩu nguyên liệu từ sớm thì chưa vội tăng giá trong thời điểm này để hỗ trợ người chăn nuôi.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên