Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá lợn thấp, nhiều hộ chăn nuôi bỏ nghề
Trước khó khăn kép: dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều trang trại, hộ gia đình đành phải tạm thời bỏ trống chuồng trại.
- 19-04-2022Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao chưa từng có, người chăn nuôi chọn phương án an toàn nhất là giảm đàn
- 12-04-2022Giá thức ăn chăn nuôi tăng 13 lần: Quên 'mỏ vàng' trong nước
- 08-04-2022Lỗ, bỏ chuồng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục
Nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng trại
Từ sau Tết Nguyên đán, ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi giá các loại nguyên liệu đầu vào để sản xuất liên tục tăng cao. Chính vì lý do này, giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản thành phẩm cũng tăng từ 3 - 13%.
So sánh tháng 3 năm nay với tháng 3 năm 2021, nhóm ngũ cốc tăng giá mạnh. Ví dụ ngô hạt tăng gần 30%, đỗ tương tăng hơn 33%, bã ngô tăng hơn 23%, tăng mạnh nhất là lúa mì tăng gần 50%.
Một trang trại nuôi lợn tại tỉnh Phú Thọ. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong khi đó, giá thức ăn chiếm tới 65 - 70% giá thành trong chăn nuôi. Thời gian qua, các trang trại, hộ chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn kép: dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trước những khó khăn này, nhiều trang trại, hộ gia đình đành phải tạm thời bỏ trống chuồng trại.
Ông Quy (xã Quế Tân, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) gắn bó với nghề chăn nuôi đã 20 năm. Tổng đàn lợn nhà ông luôn duy trì 10 con lợn nái và hàng trăm con lợn thịt. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi cùng với giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến ông phải từ bỏ nghề. Một số dãy chuồng lớn đã phá bỏ, xây nhà trọ cho thuê, chỉ để lại dãy nhỏ, ông nuôi vài con bò thịt.
"Với giá thức ăn chăn nuôi này, tôi tính 1 con lợn được xuất chuồng phải tầm 4,3 - 4,5 triệu tiền cám, cộng với con giống 1,2 triệu, nếu giá 55 thì người chăn nuôi vẫn lỗ khoảng 200.000 đồng, chưa có công, chưa có tiền điện nước", ông Nguyễn Bá Quy, xã Quế Tân, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, cho biết.
Cũng như ông Quy, nghề chính của ông Dũng (xã Đào Viên, Quế Võ, Bắc Ninh) là chăn nuôi. Tích lũy được từ những năm chăn nuôi còn thuận lợi, ông đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại lớn, khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn với mong muốn tiếp tục với nghề. Tuy nhiên, chuồng trại mới chỉ sử dụng cho một lứa lợn, ông Dũng cũng đành phải bỏ trống.
"Tôi vào lợn 400 con, 4 tháng sau tôi bán giá 42, thế là lỗ. Tôi tẩy trùng, vào đàn 300 con được nửa tháng thì bị dịch. Đến bây giờ, giá thức ăn chăn nuôi cao quá, gia đình lại không còn tiền", ông Đinh Văn Dũng, xã Đào Viên, Quế Võ, Bắc Ninh, chia sẻ.
"Hầu hết trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi nông hộ đã giảm 60 - 70% , chỉ còn lại trang trại chăn nuôi, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi mà người ta chủ động được con giống, ứng dụng được khoa học công nghệ và kiểm soát tốt được dịch bệnh thì hiện nay còn duy trì", bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Bắc Ninh, cho hay.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022 khi giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục cao hơn hiện tại.
Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 10 triệu hộ. Khi giá thức ăn tăng, giá lợn hơi vẫn ở mức thấp, thiệt thòi lớn nhất vẫn là ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi họ hoàn toàn bị động từ khâu đầu vào cho đến khâu tiêu thụ.
Giá lợn hơi chưa thể hòa vốn
Trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi bán ra vẫn đang ở mức thấp, không ghi nhận có sự thay đổi nào mới. Hiện các gia trại hoặc các trang trại nhỏ vẫn chưa đạt được điểm hòa vốn.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay (27/4) đồng loạt đi ngang ở mức từ 52.000 - 56.000 đồng/kg. Trong đó, mức giao dịch cao nhất là 56.000 đồng/kg, tiếp tục được ghi nhận tại Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nội. Theo sau đó là các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ và Tuyên Quang, hiện đang giao dịch chung giá 55.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại thu mua ổn định trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Trung cũng không ghi nhận sự thay đổi. Tại vùng này vẫn duy trì thu mua lợn hơi ổn định với giá dao động từ 52.000 - 57.000 đồng/kg.
Còn tại miền Nam, giá lợn hơi chững lại ở mức 53.000 - 57.000 đồng/kg. Cụ thể, mức giá cao nhất được ghi nhận tại tỉnh An Giang là 57.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại vẫn giao dịch ổn định quanh mốc trung bình là 55.000 đồng/kg
Chủ động giải pháp chăn nuôi
Với mức giá này, để duy trì hoạt động chăn nuôi, các hộ chăn nuôi đã chủ động thích ứng với những giải pháp khác nhau. Ví dụ như giảm lượng thức ăn tinh, tăng thức ăn xanh nhằm giảm chi phí, tránh tình trạng thua lỗ. Còn đối với những trang trại, hợp tác xã chăn nuôi lớn lại áp dụng giải pháp giảm bớt áp lực thức ăn chăn nuôi.
Công ty CP Giống vật nuôi Hà Nội vừa chăn nuôi lợn thịt, vừa cung cấp lợn giống. Tổng đàn lợn luôn duy trì 2.500 con, trong đó có 400 lợn sinh sản.
Trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi bán ra vẫn đang ở mức thấp. (Ảnh: TTXVN)
Theo đại diện công ty, dịch bệnh cùng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến chăn nuôi thua lỗ, các hộ không dám tái đàn. Số lượng lợn giống xuất bán theo đó cũng giảm, đạt khoảng 60 - 70%. Công ty đã chọn giải pháp giảm số lượng, tăng chất lượng đàn lợn nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi.
"Chúng tôi tăng cường thanh lọc, loại thải những cá thể có năng suất chất lượng thấp, những cá thể già làm giảm chất lượng để giữ lại những cá thể năng suất, chất lượng cao cũng như là tổng đầu con nhằm giảm chi phí thức ăn trên 1 kg tăng trọng", ông Nguyễn Đức Sang, Phó Giám đốc Công ty CP Giống vật nuôi Hà Nội, cho biết.
Trang trại của ông Xuê ở xã Phù Lương, tỉnh Bắc Ninh cũng chăn nuôi lớn theo mô hình hợp tác xã. 7 dãy chuồng khép kín với tổng đàn luôn duy trì là 200 lợn nái và 2.000 lợn thịt .
Cũng giống như một số đơn vị chăn nuôi lớn khác, số lượng lợn của trang trại nhà ông Xuê hiện đã giảm một nửa, chỉ còn hơn 100 lợn nái và 1.000 lợn thịt.
Theo tính toán của ông Xuê, cứ giảm đi 1 con lợn nái là ông đã giảm được 12 triệu đồng tiền chi phí thức ăn chăn nuôi trong 1 lứa .
"Giá thức ăn chăn nuôi tăng và dịch châu Phi chưa được khống chế tuyệt đối, vẫn còn lây lan trong khi chăn nuôi không có lãi, mà tăng lên thì nguy cơ dịch họa nó lớn. Yêu chăn nuôi thì duy trì để chờ lúc nó ổn định giữa cung và cầu thì chúng tôi mới dám phát triển đàn lợn", ông Đào Viết Xuê, thôn Phù Lang, xã Phù Lương, Quế Võ, Bắc Ninh, chia sẻ.
Ngoài giải pháp các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi lợn đang chủ động áp dụng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương cũng có nhiều nhóm giải pháp như: tập trung vào tăng cường diện tích canh tác vùng nguyên liệu, đặc biệt là trồng các giống mới cho năng suất cao, đưa thêm vào công thức các loại dưỡng chất nhằm giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi cũng như doanh nghiệp.
VTV.VN