Giá thức ăn làm tăng giá thịt
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất chăn nuôi tại Việt Nam tăng mạnh, đẩy giá thành thức ăn chăn nuôi lên cao.
- 07-06-2020Rabobank: Dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục biến động mạnh trong năm 2020
- 03-06-2020Mù mờ nguồn gốc "thịt siêu thị" giá siêu rẻ bán trên mạng xã hội
- 02-06-2020Chính phủ lập phương án điều tiết giá thịt lợn, không để loạn thị trường
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều doanh nghiệp (DN) thức ăn chăn nuôi đã gửi thông báo tăng giá. Trung bình, các DN tăng giá từ 100 - 300 đồng/kg. Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam lần thứ 2 trong năm 2020 thông báo tăng giá tất cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, với mức tăng 200 đồng/kg. Mức tăng được áp dụng từ ngày 8/4. Trước đó, tháng 2, công ty thông báo tăng 100 đồng/kg đối với tất cả các sản phẩm.
Cty Cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp Lộc Phát (Cty Lộc Phát) dù tự nghiên cứu ra công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi từ việc tận dụng các nguyên liệu như bột cá biển, bột thịt, khô đậu tương, mầm đậu xanh, ngô, cám mì, cám gạo... cũng thông báo tăng giá lần đầu tiên ngày 22/2. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Cty Lộc Phát, cho biết, từ sau đợt dịch tả lợn châu Phi (xảy ra từ đầu năm 2019), lượng tiêu thụ sản phẩm của công ty giảm tới 40%, thậm chí có thời điểm trên 50%. Với công suất 20 nghìn tấn/năm, nhà máy thức ăn chăn nuôi của Cty Lộc Phát không phải lớn nhưng chủ yếu bán cho thị trường Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Tuy nhiên, dưới tác động kép vừa qua bởi dịch tả lợn châu Phi và dịch COVID-19, Cty cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Theo ông Dũng, khi xảy ra đại dịch COVID-19, giá nguyên liệu trên thế giới tăng ít nhất từ 5 - 10% nên giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng theo. Đỉnh điểm là trong những tháng đầu năm 2020, các giao dịch bị nhỡ, các nguyên liệu như ngô, đậu tương… nhập khẩu từ Mỹ, Argentina đều bị mắc kẹt, tạo ra sự khan hiếm. Đặc biệt là những nguyên liệu như vitamin, khoáng chất, acid amin hay các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc (khi bị phong tỏa, nhà máy dừng sản xuất) đều tăng ít nhất 50% trở lên, do khan hiếm cục bộ, DN tranh nhau mua. Điều này khiến giá thức ăn chăn nuôi leo cao. “Riêng DN của tôi dù rất cố gắng bù giá nguyên liệu nhưng vừa rồi vẫn phải tăng giá. Đến nay, dù nguyên liệu có phần bình ổn trở lại, nhưng đối với DN, việc cam kết giữ giá là phương án cạnh tranh để giữ khách hàng”, ông Dũng nói.
Ông Dũng đề nghị, các cơ quan nhà nước nên đưa ra giải pháp để hỗ trợ DN thức ăn chăn nuôi giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, từ đó, khuyến khích nông dân, chủ trang trại mở rộng chăn nuôi, giảm được giá thịt lợn trên thị trường.
Tiền phong