Giá thuê đất quá cao, doanh nghiệp Lào Cai lo 20 năm không thể thu hồi vốn
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nhóm xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu và du lịch do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức vào ngày 22/9, rất nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của doanh nghiệp được đưa ra, trong đó nổi bật là vấn đề giá đất.
- 22-09-2021Chủ tịch Vietravel: “Doanh nghiệp sức cùng lực kiệt rồi, nếu lần này lại kéo pháo vào là chúng tôi không ra được nữa đâu"
- 21-09-2021Cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về thủ tục cấp giấy phép môi trường
- 20-09-2021Doanh nghiệp "tìm đường" trở lại
Giá thuê đất quá cao
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hoa Thịnh Hưng nêu ý kiến, kể từ khi tham gia đầu tư tại Lào Cai từ năm 2010 đến nay, giá thuê đất 50 năm trong Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải nơi doanh nghiệp đóng chân đã tăng từ hơn 1,1 triệu lên 4,5 triệu đồng/m2.
Tốc độ và biên độ tăng giá đất lớn như vậy khiến doanh nghiệp không có môi trường đầu tư ổn định, bất an tâm lý, đảo lộn kế hoạch tài chính.
“Ban đầu khi xây dựng phương án kinh doanh, chúng tôi lên dự tính thu hồi vốn sau 10 năm, từ năm thứ 12 trở đi sẽ có lãi. Nhưng nếu theo bảng giá đất mới của tỉnh thì không thể thu hồi vốn trong 20 năm đầu”, bà Mai nhấn mạnh.
Chiểu theo bảng giá đất giai đoạn 2021-2024 ở Lào Cai trên mặt bằng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại các khu công nghiệp, khu công nghiệp – thương mại và các cụm tiểu thủ công nghiệp với đơn giá thuê tối thiểu là 2 triệu, tối đa 4,5 triệu đồng/m2, bà Mai cho rằng mức giá này cao hơn so với tất cả các khu công nghiệp của những địa phương tương đồng với Lào Cai.
“Điển hình là Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) với rất nhiều lợi thế như vừa gần thủ đô, gần các khu công nghiệp lớn của Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…, gần cảng hàng không, cảng cạn, ở vị trí dễ tiếp cận nguồn lao động qua đào tạo nhưng giá thuê đất vẫn rất thấp, chỉ 800.000 – 1 triệu đồng/m2, trong khi Lào Cai quá cao, đề nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tế”, bà Mai cho biết.
Được ít mất nhiều
Chia sẻ thêm với phóng viên, bà Mai cho rằng, hơn 80 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải (chưa kể các khu công nghiệp, thương mại khác của Lào Cai) sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi giá thuê đất tại đây thậm chí còn cao hơn cả đất thổ cư ở một số tuyến đường trong thành phố như Duyên Hà, Đăng Châu, Sơn Đen…
“Trong khi đó, đất sản xuất kinh doanh chu kì thuê giới hạn trong 50 năm, doanh nghiệp chỉ được xây dựng trên 60% diện tích, rồi phải có thêm đường nội bộ, cây xanh, mà tính thanh khoản thì thấp hơn hẳn đất thổ cư vì rất khó sang nhượng dù rằng chỉ có thua lỗ mới phải bán đi, còn bình thường thế chấp để vay ngân hàng cũng khó vì buộc phải kèm cả tài sản trên đất”, bà Mai nói.
Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua, Lào Cai cũng đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và có điều chỉnh giảm mức giá thuê đất cho doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng.
“Mong rằng tỉnh cần tiếp tục rà soát để điều chỉnh mức giá đi vào thực chất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thuê được đất, chúng ta sẽ thu được cả thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và tạo an sinh xã hội. Nhưng nếu áp một giá doanh nghiệp không thể chịu được thì sẽ mất niềm tin, doanh nghiệp không đầu tư, trả đất cho tỉnh, tỉnh mất nguồn thu, mất cả an sinh xã hội”, ông Lương trăn trở.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đánh giá cao ý kiến thẳng thắn, phản biện một cách trách nhiệm của các doanh nghiệp, về phía tỉnh có đầy đủ thành viên thường trực Ủy ban và thủ trưởng các sở, ngành tham dự cũng sẽ cầu thị tiếp thu để có hướng tháo gỡ.
“Về vấn đề giá đất, các kiến nghị của doanh nghiệp là có cơ sở, vì mặt bằng giá đất ở của Lào Cai đang cao, trong khi giá đất dịch vụ quy định bằng 80% đất ở, giá đất sản xuất kinh doanh bằng 60% đất ở. Thời gian qua, bảng giá đất của Lào Cai lại theo đà năm sau tăng hơn năm trước, vừa rồi tỉnh đã cố gắng điều chỉnh quay lại giá đất như xưa nhưng vẫn cao, tới đây sẽ tiếp tục xem xét, tất nhiên cũng phải phù hợp với thị trường”, ông Trường nhấn mạnh.
Trao đổi ngoài Hội nghị với phóng viên, ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho hay, hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương chủ yếu vẫn đang hưởng ưu đãi theo chính sách thu hút (miễn tiền thuê đất 07 năm đối với các dự án thông thường và 11 năm đối với các dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư), nhưng có rất nhiều doanh nghiệp đã hết hoặc chuẩn bị hết thời hạn ưu đãi. Bên cạnh đó, Covid-19 gần 2 năm qua đã để lại hậu quả rất nặng nề thì việc trả tiền thuê mặt bằng sẽ là áp lực lớn.
“Nhiều đơn vị hiện nay hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng, vẫn phải trả lương nhân viên, trong khi các gói hỗ trợ của Chính phủ ít chạm tới được doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc tạo điều kiện bằng chính sách điều chỉnh giá đất là thiết thực nhất. Bớt đi áp lực từ tiền thuê đất thì doanh nghiệp có thể dồn vốn đầu tư trực tiếp cho nhà xưởng, thuê nhân công, ra sản phẩm, quay vòng vốn sẽ nhanh và hiệu quả hơn, nhất là khi dịch bệnh được kiểm soát để phục hồi kinh tế”, ông Long chia sẻ./.
VOV