Giá tiêu thế giới giảm kéo giá tiêu xuất khẩu lẫn giá nội địa giảm theo
Sáng nay 18/5, giá tiêu đen xô tại huyện Châu Đức thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thị trường có giá tiêu cạnh tranh nhất trong các tỉnh trồng tiêu chính của nước ta, vẫn ổn định ở mức 59.000 đồng/kg của ngày hôm trước, trong khi giá tiêu đen xô tại các tỉnh còn lại dao động trong khoảng 57.000 – 58.000 đồng/kg.
- 17-05-2018Niềm tin... chanh dây khi cây hồ tiêu chết hàng loạt
- 17-05-2018Thực hư chuyện thương lái thu mua rễ cây hồ tiêu?
Theo các thương nhân kinh doanh hạt tiêu có quy mô đáng kể ở các tỉnh phía Nam, giá tiêu đen xô tại thị trường nội địa trong những ngày đầu tuần có nhích lên được 1.000 đồng/kg nhưng rồi quay trở lại đứng ở mức của 10 ngày trước đây và tiếp tục bị "đì" bởi giá hạt tiêu nhập khẩu.
Tuy nhiên, sức ép của giá tiêu nhập khẩu thường không kéo dài quá lâu, chỉ trong khoảng 2 tuần do khối lượng hàng giao xuống tàu từ các nhà xuất khẩu tiêu Việt Nam lẫn các doanh nghiệp xuất khẩu FDI vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi những năm gần đây khối lượng hạt tiêu nhập khẩu từ các nước sản xuất khác, kể cả các nước thành viên lẫn các nước chưa là thành viên của tổ chức IPC, dao động trong khoảng 20.000 – 30.000 tấn mỗi năm.
Theo các nhà quan sát thị trường hạt tiêu thế giới, khối lượng hạt tiêu nhập khẩu này tương đương với khối lượng xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, bao gồm số không được ngành Hải Quan nước ta thống kê và số dành cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Do đó, ước tổng sản lượng nhà nông nước ta thu hoạch vụ mùa vừa qua dao động trên dưới 200.000 tấn tiêu xô không phải là một con số gây áp lực quá lớn cho nhà xuất khẩu.
Dữ liệu sơ bộ của ngành Hải Quan cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2018, nước ta đã xuất khẩu đạt tổng cộng 86.849 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 307,14 triệu USD. Rõ ràng lúc này chưa phải là áp lực về lượng, trong khi về giá cả vẫn còn ở phía trước.
Theo dữ liệu thị trường của Cộng đồng Hạt tiêu thế giới (IPC), giá tiêu tuần trước ở một số thị trường như Kochi – Ấn Độ, Sarawak – Malaysia giảm nhẹ trong khi giá tiêu ở Việt Nam giảm đáng kể, tới khoảng 7%. Trái lại, tại Indonesia và Sri Lanka giá tương đối ổn định. Tuy nhiên, tính theo tỷ giá USD, giá tại Indonesia giảm trong khi ở Sri Lanka tăng nhẹ.
Theo các thương buôn ở Karnataka, giá hạt tiêu xô chào mua tại cổng trang trại hiện dao động trong khoảng 34.500 – 35.000 Rupi/tạ (tương đương 5.086 – 5.160 USD/tấn), trong khi giá tiêu đã qua sơ chế tại các xưởng chế biến ở Kerala có giá 37.500 Rupi/tạ (tương đương 5.529 USD/tấn). Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng giá tiêu ở mức này là có trộn lẫn hạt tiêu nhập khẩu, còn nông dân trồng tiêu Ấn Độ không muốn bán ra ở mức này.
Giá tiêu đen xuất khẩu Brasil giao tại cảng Victoria giảm xuống còn 3.000 – 3.050 USD/tấn cho loại B – Asta và 2.950 USD/tấn cho loại B1 (FOB). Giá tiêu đen Việt Nam loại 500 Gr/l chào giá 2.700 USD/tấn và loại 550 Gr/l chào giá 3.000 USD/tấn (FOB-HCM), giảm 200 – 250 USD/tấn so với tuần trước.
Dự kiến giá tiêu nội địa vẫn còn duy trì ở mức thấp cho tới khi nhu cầu chế biến tiêu trắng gia tăng trở lại và nhất là sức ép của hạt tiêu nhập khẩu giảm bớt trong khoảng 2 tuần tới.