MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia tộc đứng sau đế chế Chanel: Nhà 3 đời làm "trùm thời trang", giàu top 7 thế giới nhưng "ẩn thân" rất tài tình

01-06-2023 - 00:05 AM | Lifestyle

Gia tộc đứng sau đế chế Chanel: Nhà 3 đời làm "trùm thời trang", giàu top 7 thế giới nhưng "ẩn thân" rất tài tình

Ngày nay, hai anh em U80 đang chia nhau kiểm soát toàn bộ đế chế kinh doanh Chanel, cũng như nhiều bất động sản trên toàn thế giới.

Alain Wertheimer (75 tuổi) và em trai Gérard (73 tuổi) có thể không phải là những cái tên quen thuộc trên truyền thông. Song hai doanh nhân kín tiếng này lần lượt là người giàu thứ 4 và 5 tại nước Pháp, đồng hạng 42 trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes, với ước tính tài sản ròng của mỗi người là 30,5 tỷ USD. Gia đình nhà Wertheimer cũng nằm trong top 7 gia đình giàu có nhất thế giới, theo Investopedia.

Viên gạch đầu tiên giúp xây nên cơ đồ của gia tộc Wertheimer là vào những năm 1920. Khi đó, Pierre Wertheimer (ông nội của Alain và Gérard) đã tài trợ cho nhà thiết kế thời trang mới nổi - Gabrielle "Coco" Chanel.

Gia tộc đứng sau đế chế Chanel: Nhà 3 đời làm "trùm thời trang", giàu top 7 thế giới nhưng "ẩn thân" rất tài tình - Ảnh 1.

Hai ông chủ của Chanel: Alain (trái) và em trai Gérard Wertheimer (phải). Ảnh: Business Insider.

Liên minh với nhà thiết kế Coco Chanel

Năm 1924, nhà thiết kế thời trang Coco Chanel đã ký thoả thuận với Pierre Wertheimer để thành lập công ty có tên Parfums Chanel. Khi đó, ông Pierre đang là giám đốc công ty mỹ phẩm Bourjois.

Coco Chanel tin rằng đã đến lúc để mở rộng việc bán nước hoa Chanel No.5, giúp tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng hơn. Kể từ khi được ra mắt vào năm 1921, chai nước hoa này là sản phẩm dành riêng cho nhóm khách hàng tiềm năng của thương hiệu.

Nhận thấy Pierre Wertheimer có chuyên môn về thương mại, hiểu biết thị trường Mỹ và có nguồn vốn, Coco Chanel tin cú bắt tay sẽ giúp ích cho việc mở rộng sản phẩm.

Gia tộc đứng sau đế chế Chanel: Nhà 3 đời làm "trùm thời trang", giàu top 7 thế giới nhưng "ẩn thân" rất tài tình - Ảnh 2.

Ông nội của Alain và Gérard, doanh nhân người Pháp Pierre Wertheimer. Ảnh: Getty Images.

Để có 70% cổ phần trong công ty, Pierre Wertheimer đã cung cấp tài chính cho việc sản xuất, tiếp thị và phân phối Chanel No.5. 20% tiếp theo thuộc về Théophile Bader - người sáng lập cửa hàng bách hoá Galeries Lafayette ở Paris (Pháp), có công kết nối Pierre Wertheimer với Coco Chanel.

Coco Chanel chỉ còn 10% nên ngoại trừ việc sử dụng tên mình cho sản phẩm, NTK này rất ít có quyền can thiệp các hoạt động liên quan đến kinh doanh.

Không hài lòng với sự sắp xếp này, Coco Chanel đã mất nhiều năm để giành toàn quyền kiểm soát "Parfums Chanel". Năm 1935, bà khởi xướng vụ kiện chống lại nhà Wertheimer nhưng không thành công.

Dẫu vậy ngày nay, nước hoa và thời trang của Chanel đã có mặt trên toàn thế giới và là một trong những thương hiệu dễ nhận biết nhất.

Gia tộc đứng sau đế chế Chanel: Nhà 3 đời làm "trùm thời trang", giàu top 7 thế giới nhưng "ẩn thân" rất tài tình - Ảnh 3.

Nhà thiết kế Coco Chanel. Ảnh: Getty Images.

Vươn lên từ đống tro tàn

Pierre qua đời năm 1965 và quyền kiểm soát công ty được chuyển cho con trai ông, Jacques. Khi Coco Chanel qua đời vào năm 1971, gia đình đã mua lại cổ phần của bà trong công ty. Vào năm 1973, ở tuổi 25, con trai của Jacques là Alain đã thuyết phục hội đồng quản trị để thay thế vị trí của cha mình. Alain trở thành chủ tịch của Chanel, còn em trai Gérard đứng đầu bộ phận đồng hồ.

Vào thời điểm đó, Chanel là thương hiệu đang dần kiệt quệ, chỉ còn lại nhãn hiệu nước hoa được bán tại hiệu thuốc và cửa hàng chính thức. Alain ngay lập tức cải tổ bằng cách mở rộng phân khúc quần áo may sẵn, thiết lập lại thị phần để dẫn đầu lĩnh vực nước hoa cao cấp.

Quyết định quan trọng nhất của ông là thuyết phục nhà thiết kế người Đức Karl Lagerfeld trở thành giám đốc sáng tạo cho thương hiệu.

Vào thời điểm đó, Karl Lagerfeld nói: "Khi tôi gia nhập Chanel, đó là một 'công chúa ngủ trong rừng', thậm chí không phải là người đẹp. Thật là mệt mỏi. Vì vậy, công việc của tôi là hồi sinh người phụ nữ đã chết".

Gia tộc đứng sau đế chế Chanel: Nhà 3 đời làm "trùm thời trang", giàu top 7 thế giới nhưng "ẩn thân" rất tài tình - Ảnh 4.

Alain Wertheimer chính là người đã thuyết phục Karl Lagerfeld trở thành giám đốc sáng tạo cho Chanel, đưa thương hiệu trở lại thời huy hoàng. Ảnh: Charles Platiau.

Alain, người được mệnh danh là "thiên tài marketing", đã biết cách tận dụng tối đa những sáng tạo của Karl Lagerfeld để tạo nên hình ảnh thời trang cao cấp. Từ đó, Chanel nổi tiếng trong cả giới thượng lưu và toàn thế giới.

Karl Lagerfeld cũng được The New York Times gọi là "nhà thiết kế tài ba nhất của thế kỷ 20 và 21". Ông đã dành 3 thập kỷ để giám sát thiết kế cho Chanel và cứu thương hiệu khỏi nguy cơ sụp đổ tài chính.

Ngày nay, Alain và Gérard vẫn tiếp tục điều hành Chanel. Hai anh em đã làm việc cho nhà mốt được 43 năm và là thế hệ thứ ba của nhà Wertheimer điều hành công ty hơn 100 năm tuổi này. Tờ New York Times từng mô tả hai anh em là "những tỷ phú thầm lặng nhất của thời trang".

Gia tộc đứng sau đế chế Chanel: Nhà 3 đời làm "trùm thời trang", giàu top 7 thế giới nhưng "ẩn thân" rất tài tình - Ảnh 5.

Người tiêu dùng xếp hàng chờ vào cửa hàng Chanel ở Miami (Florida, Mỹ). Ảnh: Getty Images.

Bí quyết "ẩn thân" dù sở hữu khối tài sản kếch xù

Người Pháp có câu nói: "Muốn sống hạnh phúc, chúng ta sống ẩn mình". Và sự thận trọng là một trong những châm ngôn sống của anh em nhà Wertheimer. Trong khi anh Alain sống ở thành phố New York (Mỹ), em trai Gérard lại ở thành phố Geneva của Thụy Sĩ.

Ngay cả khi nhà mốt lấy lại được vị thế nổi bật trong thế giới thời trang và khối tài sản của nhà Wertheimer ngày càng lớn, gia đình tỷ phú này vẫn giữ thái độ kín đáo và e dè trước truyền thông.

Nếu có tham dự buổi trình diễn thời trang của thương hiệu, anh em nhà Wertheimer sẽ tự lái xe đến địa điểm. Sau đó, họ ngồi ở hàng thứ 3 hoặc 4, thay vì hàng ghế đầu quyền lực.

Họ không bao giờ tham dự lễ khai trương cửa hàng Chanel hay bình luận công khai về công việc kinh doanh. Trước năm 2018, thương hiệu thậm chí chưa bao giờ công bố số lượng bán hàng, khiến ngành công nghiệp chỉ có thể ước tính về giá trị thương hiệu.

Gia tộc đứng sau đế chế Chanel: Nhà 3 đời làm "trùm thời trang", giàu top 7 thế giới nhưng "ẩn thân" rất tài tình - Ảnh 6.

Dàn người mẫu vinh danh nhà thiết kế Karl Lagerfeld sau buổi giới thiệu bộ sưu tập nữ Thu Đông 2019/2020 tại Tuần lễ thời trang Paris (Pháp) vào tháng 3/2019. Ảnh: EPA-EFE.

Tới tận giữa năm 2018, công ty mới công bố báo cáo tài chính lần đầu tiên sau 108 năm. Họ cho biết, doanh thu của năm 2017 lên tới 9,62 tỷ USD.

Alain và Gérard Wertheimer chưa công khai ai sẽ tiếp quản Chanel và liệu trong tương lai, thương hiệu còn thuộc quyền kiểm soát của gia đình hay không. Hai anh em đều đã lập gia đình riêng, Alain có 3 người con còn Gérard có 2.

Họ còn thừa kế Wertheimer et Frère, công việc kinh doanh chăn nuôi và đua ngựa của gia đình. Thú vui của gia đình Wertheimer là chơi bắn súng tại lâu đài ở Thung lũng sông Loire của Pháp, hay trượt tuyết tại căn nhà gỗ ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ.

Tính đến năm 2002, hai anh em sở hữu 8 ngôi nhà trên khắp thế giới. Không bất ngờ khi trong những biệt thự đó chứa tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, nhưng họ không cho mượn hay chụp ảnh bất kỳ tác phẩm nào.

Gia tộc đứng sau đế chế Chanel: Nhà 3 đời làm "trùm thời trang", giàu top 7 thế giới nhưng "ẩn thân" rất tài tình - Ảnh 7.

Alain Wertheimer được cho là sống ở Đại lộ số 5, trung tâm nhộn nhịp của thành phố New York, nơi mọi tòa nhà đều được coi là bất động sản đáng mơ ước. Ảnh: AP.

Theo Bloomberg, hai anh em còn có 1% cổ phần trong Ulta Beauty, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm trị giá 24 tỷ USD.

Theo SCMP

Lam Phương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên