Gia tộc Nhật Bản dự chi 8.000 tỷ yên để quyết giữ lại 'bảo vật quốc gia', khiến các công ty ngoại trở nên bất khả xâm phạm
Nhật Bản từ lâu đã được coi là thị trường khó xâm nhập đối với các công ty nước ngoài muốn sáp nhập và mua lại.
- 19-12-2024Tên lửa Space One của Nhật Bản tự hủy trong lần phóng thất bại thứ 2
- 18-12-2024Nhà sản xuất iPhone hàng đầu thế giới Foxconn muốn nắm quyền kiểm soát hãng xe Nhật Bản Nissan
- 17-12-2024Nhật Bản nâng thứ ai cũng dùng hàng ngày lên tầm cao mới, đóng chai bán với giá 255 triệu đồng/lít vẫn chốt đơn ‘ngon ơ’ trên toàn thế giới: Có gì đặc biệt?
Phó Chủ tịch Seven & i Holdings Junro Ito đã bay đến California để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng: khôi phục lại nền văn hóa mà cha mình, người sáng lập công ty, đã vun đắp.
Theo The NY Times, ông Ito muốn thành lập các hội thảo đào tạo nhân viên của Seven & i, đồng thời đang tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia tại Đại học Claremont Graduate, nơi người bạn thân là chuyên gia Peter Drucker đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy. Các hội thảo sẽ thấm nhuần tư tưởng vào bộ máy nhân sự — rằng mục đích sống của một công ty là phục vụ khách hàng, chứ không phải tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông.
Trở lại Tokyo, công ty bắt đầu tổ chức các hội thảo quản lý hàng tháng ngay khi ông Ito bắt đầu lên kế hoạch thâu tóm trị giá hàng tỷ USD. Gia đình ông sở hữu một phần Seven & i và ông muốn ngăn chặn việc công ty này bị một đối thủ nước ngoài mua lại.
Seven & i có hơn 85.000 cửa hàng, trong khi 7-Eleven là nền tảng của xã hội Nhật Bản. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát 7-Eleven là biểu tượng cho một thay đổi toàn diện đang diễn ra, khi các công ty cân nhắc tạo ra nhiều giá trị hơn cho những người góp vốn.
Về bản chất, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đang ủng hộ Milton Friedman - nhà kinh tế học ủng hộ quan điểm cho rằng kinh doanh là nhằm tạo ra lợi nhuận. Các công ty đã bắt đầu phản ứng bằng cách mua cổ phiếu của chính mình để tăng giá, hợp tác với các nhà đầu tư hoạt động và đưa những người ủng hộ cổ đông độc lập vào hội đồng quản trị. Warren E. Buffett và các nhà đầu tư nước ngoài khác đã đổ tiền vào cổ phiếu Nhật Bản, giúp nâng giá trị của chúng lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Cổ phiếu của Seven & i nằm trong số những cổ phiếu gần đạt mức cao kỷ lục, đặc biệt là kể từ tháng 8, khi công ty này nhận được lời chào mua trị giá 38 tỷ USD từ tập đoàn bán lẻ Canada Alimentation Couche-Tard, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K. Sau khi Seven & i từ chối đề xuất vào tháng 9, Couche-Tard đã quay trở lại vào tháng sau với lời chào mua trị giá 47 tỷ USD.
Trong khi Seven & i còn đang cân nhắc lời đề nghị đó, ông Ito tháng trước đã đề xuất đưa công ty mà cha ông sáng lập thành sở hữu tư nhân, đánh dấu thương vụ MBO lớn nhất từ trước đến nay trị giá hơn 50 tỷ USD (8.000 tỷ yên). Mục đích sau cùng là để nắm giữ hoàn toàn quyền kiểm soát.
Không giống như Couche-Tard, ông Ito hiện vẫn giữ im lặng về động cơ đằng sau lời đề nghị của mình. Seven & i chỉ xác nhận rằng họ đã nhận được một đề xuất bí mật từ ông Ito và từ chối cho ông tham gia phỏng vấn.
Yasuhiro Ochiai, giáo sư tại Đại học Shizuoka, một nhà nghiên cứu hàng đầu về doanh nghiệp gia đình và quản lý tại Nhật Bản, cho biết tại Nhật Bản, những thành viên sáng lập gia đình như ông Ito của Seven & i có xu hướng đề cao mối quan hệ với khách hàng và cộng đồng, sự ổn định lâu dài và văn hóa doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của ông Ochiai, những thành viên sáng lập nắm giữ ảnh hưởng đáng kể — thông qua quyền sở hữu trực tiếp hoặc với tư cách là người quản lý — trong khoảng một nửa số công ty đại chúng tại Nhật Bản.
Nhật Bản từ lâu đã được coi là thị trường khó xâm nhập đối với các công ty nước ngoài muốn sáp nhập và mua lại. Couche-Tard biết điều này vì trước đây họ đã cố gắng mua lại 7-Eleven và tiếp cận Masatoshi Ito, cha của Junro Ito.
Thỏa thuận này nhanh chóng bị bác bỏ. Masatoshi Ito cho rằng văn hóa công ty có thể bị pha loãng nếu một công ty nước ngoài nắm quyền kiểm soát.
Ông Ito đã xây dựng công ty của mình thành một đế chế với hàng ngàn cửa hàng tạp hóa tiện lợi trên khắp Nhật Bản. Một cửa hàng 7-Eleven thông thường hiện nay bán khoảng 3.000 sản phẩm trở lên, 70% trong số đó được thay đổi hoặc nâng cấp mỗi năm, có thể là công thức mới cho bánh sandwich trứng hoặc hương vị rong biển khác nhau trong một viên cơm nắm.
Các cửa hàng 7-Eleven cuối cùng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người Nhật, đến mức chính phủ tuyên bố chúng là một phần của cơ sở hạ tầng quốc gia.
Tại một trung tâm đào tạo của Seven & i phía nam Tokyo, tất cả nhân viên mới đều được cho xem một đoạn video dài 18 phút, trong đó Masatoshi Ito kể lại lịch sử thành lập công ty và niềm tin của ông rằng khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu. Đoạn clip cho thấy hệ thống phân cấp, trong đó khách hàng ở vị trí cao nhất, tiếp theo là nhà cung cấp, cộng đồng địa phương và giám đốc điều hành. ‘Cổ đông’ xếp vị trí cuối cùng.
Năm nay, khi Alain Bouchard, người sáng lập Couche-Tard, một lần nữa tiếp cận chủ sở hữu 7-Eleven, ông thừa nhận Seven & i và Nhật Bản thay đổi rất nhiều. Seven & I đã mở rộng ra bên ngoài các cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Nhiều cửa hàng bán lẻ bán mọi thứ từ văn phòng phẩm đến đồ dùng cho trẻ em.
Vào năm 2023, các cơ quan quản lý Nhật Bản đã cập nhật các hướng dẫn của chính phủ, khuyến khích các công ty xem xét nghiêm túc các đề nghị tiếp quản hợp pháp. Sau khi Couche-Tard đưa ra lời đề nghị trị giá 38 tỷ USD cho Seven & i năm nay, công ty Nhật Bản đã thành lập một ủy ban gồm các giám đốc độc lập để xem xét lời đề nghị.
Hiện tại, Seven & i cho biết, ủy ban đang xem xét các đề nghị cạnh tranh do Couche-Tard và Junro Ito đưa ra. Ông Ito đang thảo luận với một số tổ chức, bao gồm các ngân hàng lớn của Nhật Bản, để đảm bảo số tiền ông cần.
Trong khi các đề nghị chào mua đang được xem xét, các nhà lãnh đạo của Seven & i đang cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng công ty có thể phát triển mà không cần thay đổi quyền sở hữu.
Chủ tịch Seven & i, Ryuichi Isaka, đã cố gắng tăng giá trị của công ty bằng cách loại bỏ các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và tập trung vào chuỗi cửa hàng 7-Eleven, theo yêu cầu của các cổ đông hoạt động tích cực. Vào tháng 10, công ty cho biết họ có kế hoạch tách hoạt động siêu thị và một số đơn vị ngoại vi khác thành một công ty riêng.
Ông Ito chưa nêu rõ chiến lược của mình cho Seven & i, song có vẻ hình dung công ty sẽ tiếp tục tăng gấp đôi số lượng cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản và nước ngoài. Những nỗ lực đó có thể được thực hiện bởi ban quản lý hiện tại.
Couche-Tard từ chối bình luận về mức giá mình đưa ra. Đại diện công ty này chỉ đánh giá cao kiến thức sâu rộng và chuyên môn của Seven & i trong ngành, sau đó hướng đến việc mở rộng các dịch vụ của chính mình trên khắp các toàn cầu.
Theo: The NY Times, Nikkei Asia
Nhịp sống thị trường