MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá tôm nguyên liệu lên xuống thất thường, thách thức người nuôi

27-02-2018 - 19:40 PM | Thị trường

Sau tết, các tỉnh ven biển ĐBSCL bắt tay vào vụ nuôi thả tôm thẻ chân trắng. Bên cạnh thời tiết diễn biến phức tạp, người nuôi tôm lo nhất là thị trường tiêu thụ trước biểu hiện rớt giá bất thường.


Những ngày cuối tháng chạp, tôm thương phẩm bất chợt giảm giá 10.000 - 20.000 đ/kg tùy theo cỡ (size) so với tháng trước. Một số người nuôi tôm và thương lái cho rằng, nguyên nhân do thương lái Trung Quốc sang mua hàng tôm đông lạnh theo đường tiểu ngạch không nhiều.

Việc thương lái Trung Quốc lùng mua tôm mà không cần xem xét về dư lượng khiến người nuôi có suy nghĩ chủ quan, không nhất thiết phải nuôi tôm sạch. Nếu bất ngờ họ ngưng mua cũng là một khó khăn trong việc hoạch định tiêu thụ của các DN chế biến.

Cũng có thể do vừa qua Trung Quốc "đánh" vụ trốn thuế biên mậu trong nước khiến thương lái ngưng mua tôm cuối năm làm giá giảm mạnh. Bình thường thương lái mua tôm cỡ lớn giá rất cao khiến các DN chế biến không thể cạnh tranh, không dám ký hợp đồng tiêu thụ. Khi họ ngưng mua, giá giảm mạnh, gây tâm lý hoang mang cho người nuôi, tưởng rằng DN chế biến ép giá.

Mặt khác, theo một số doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xuất khẩu tôm Việt Nam, bước qua năm 2018 con tôm sẽ gặp thách thức lớn trên thương trường thế giới. Đó là sự đòi hỏi ngày càng nghiêm nhặt hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó các cơ chế để minh bạch và nhanh chóng truy xuất nguồn gốc từng gói hàng phải chặt chẽ hơn. Điều lo lắng nhất là khoảng 90% tôm nuôi trong điều kiện nhỏ lẻ manh mún, khó kiểm soát. Do vậy, giải pháp cần thiết là dồn điền để tạo ra các trang trại nuôi tôm lớn hoặc hợp tác hoá.

Nhận định về tình hình thị trường năm 2018, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Cty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho hay: Vụ kiện bán phá giá tôm vào thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là một trở ngại, khiến tôm VN giảm sức cạnh tranh về giá với tôm từ các nước không bị kiện hoặc tôm nước bị kiện nhưng có mức thuế thấp hơn. Tôm VN có lợi thế ở thị trường EU do còn ưu đãi thuế quan và nếu hè 2018 hiệp định V-EFTA ký kết thì EU trở thành thị trường chiến lược. Thị phần từ Hoa Kỳ sẽ chuyển qua EU. Vào thời điểm này tiêu thụ tôm vào EU đã chiếm thị phần khá cao.

“Trong khi nuôi tôm VN còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết rất lớn. Nếu thời tiết tốt, chắc chắn sản lượng tôm nuôi 2018 của VN sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên theo dự báo 2018 sản lượng tôm toàn thế giới cũng tăng mạnh. Nếu tất cả dự báo đúng, người nuôi tôm có thể sẽ đứng trước thánh thức trúng mùa rớt giá”, ông Lực nói.

Người nuôi tôm ĐBSCL đang lạc quan trước chủ trương của Chính phủ xem đây là một lĩnh vực ưu tiên đầu tư và con tôm là sản phẩm quốc gia. Để vùng nuôi tôm mở rông cả chiều rộng lẫn chiều sâu thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng là việc đầu tiên cần làm, như hệ thống kinh cấp - thoát, điện, lộ giao thông... Tiếp đó là người nuôi tôm đang trông đợi chính sách vốn và sự hỗ trợ về kỹ thuật.



Theo Hữu Đức

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên