MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá tôm ở Bến Tre xuống thấp khiến nông dân lo lắng

20-06-2018 - 21:37 PM | Thị trường

Hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua, từ 70.000 – 75.000 đồng/kg, giảm hơn 30.000 đồng/kg so với năm 2017. Nhiều hộ nông dân nuôi tôm tại Bến Tre bị lỗ nặng khiến người dân lo lắng khi thả nuôi.

Mặc dù giá tôm đang xuống thấp nhưng anh Đỗ Khánh Phong, xã Định Trung, huyện Bình Đại (Bến Tre) vẫn tiếp tục thả nuôi. Hiện hai ao nuôi gần 5.000 m2 của gia đình anh Phong đã thả tôm thẻ gần 1 tháng, với hơn 150.000 con. Theo anh Phong, ao nuôi tôm không thể bỏ không được vì khi muốn nuôi lại sẽ tốn nhiều chi phí để cải tạo ao. Bên cạnh đó, anh Phong hy vọng đến thời điểm thu hoạch giá tôm sẽ lên lại. Ngoài ra, nếu người dân không thả nuôi thì cũng không có việc để làm, trong khi vụ trước đã bị lỗ.

Anh Phong cho biết, giá tôm xuống thấp nhưng người dân cũng phải nuôi vì là công việc chính là nuôi tôm, nên không dễ dàng chuyển đổi sang trồng cây hoặc làm nghề khác nhanh như vậy được. Mặt khác, người dân “bấm bụng” thả nuôi chờ thị trường thay đổi giá tôm sẽ tăng thì sẽ được lợi.

Hiện giá tôm từ 70.000 - 75.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), giảm hơn 35.000 đồng/kg so với trước đây. Chi phí cho 1kg tôm thương phẩm vào khoảng 80.000 - 85.000 đồng, do đó người chăn nuôi lỗ nặng, trong khi giá đầu vào như con giống, thức ăn vẫn tăng.

Theo anh Đỗ Khánh Dũng, xã Định Trung, huyện Bình Đại, bên cạnh việc giá tôm thương phẩm giảm, chi phí sản xuất tăng cao làm cho lợi nhuận người nuôi tôm thấp. Hiện anh Dũng chưa tiếp cận được nguồn điện lưới phải mua điện qua các trung gian với giá 3.500 - 3.700 đồng/kwh.  Anh Dũng chia sẻ, nếu giá vật tư đầu vào, chi phí sản xuất giảm thì người dân sẽ có lãi nhiều hơn.

Tỉnh Bến Tre có diện tích nuôi tôm biển khoảng 35.000 ha, cho sản lượng hơn 50.000 tấn/năm. Theo các chuyên gia, nguyên nhân giảm giá là do các nước xuất khẩu tôm khác năm nay tăng khoảng 30% sản lượng (Ecuador, Thái Lan) trong khi nhu cầu thế giới tăng rất nhẹ. Cầu đã bão hòa mà cung tăng đột biến, thị trường dư thừa, hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cũng còn, nên khiến giá tôm trong nước giảm thấp.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, giá tôm sụt giảm có nhiều nguyên nhân. Trong đó, lượng tồn kho ở các thị trường mua ở trước đây năm 2017 tương đối nhiều thì tiêu thụ vẫn không theo như dự kiến. Bên cạnh đó, năm nay các nước được mùa nên lượng cung ra thị trường rất lớn, trong khi đó yếu tố về mặc tăng trưởng chung về nhu cầu, vẫn dừng ở mức 5% giống như mọi năm. Yếu tố nữa là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ loại size cỡ nhỏ nhiều hơn cũng làm cho giá giảm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, để vượt qua được giai đoạn khó khăn khi giá tôm giảm này cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống như: giải pháp thả nuôi giảm giá thành (có khống chế sự tăng giá không rõ ràng về con tôm giống, thức ăn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn…). Và về lâu dài, bền vững là giải pháp xây dựng thương hiệu con tôm Việt (truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, ao nuôi có chứng nhận đạt chuẩn nuôi…).

Theo ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn thủy sản Việt - Úc, các doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu con tôm Việt Nam theo hướng hàng đầu, đi sâu theo hướng chất lượng, có những sản phẩm chất lượng thì giá trị con tôm sẽ tăng theo thời gian, theo hàng năm.

Mặt khác, Việt Nam có những lợi thế rất lớn về vùng nuôi, tài nguyên thiên nhiên về nước đủ lớn, đủ tốt để phát triển nuôi tôm theo qui mô lớn. Bên cạnh đó, các công ty cần có định hướng, triển khai các giải pháp phù hợp, đặc biệt phải ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao giá trị cho ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Xem link bài gốc tại đây

Theo Huỳnh Phúc Hậu

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên