Giá tôm tăng, Việt Nam đẩy mạnh nuôi tôm có kiểm soát
Giá tôm nguyên liệu trong nước tăng, thị trường xuất khẩu tốt là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam tăng cường sản xuất tôm.
- 20-10-2018Bộ Nông nghiệp: Đẩy mạnh sản xuất cá tra, tôm vào cuối 2018 để nắm bắt cơ hội
- 18-10-2018Xuất khẩu tôm sang EU được dự báo sẽ tăng trở lại vào cuối năm
- 17-10-2018Bạc Liêu: 361 cơ sở thu mua chế biến tôm nghi vấn có bơm chích tạp chất
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay thị trường đang diễn biến rất nhanh theo chiều hướng có lợi cho ngành tôm. Ngày 10/9/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo hình thức chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ ngày 1/2/2016 - 31/1/2017 là 4,58 %; thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, thị trường EU đã chuyển hướng tích cực từ tháng 7/2018. Giá tôm nguyên liệu trong nước đã tăng trở lại ở mức cao, nhu cầu nguyên liệu tăng… là những yếu tố vô cùng quan trọng giúp thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Nhằm tận dụng cơ hội thị trường và thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng của ngành, tránh bị thiếu hụt nguyên liệu vào các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nuôi tôm ven biển chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng triển khai một số nội dung.
Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ tại những vùng có tiềm năng và đáp ứng các quy định điều kiện nuôi tôm nước lợ; áp dụng các giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm; khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và truy xuất nguồn”.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời điểm này đang giao mùa nên các yếu tố môi trường biến động lớn dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con tôm. Do đó, để tận dụng lợi thế thị trường, các nhà quản lý khuyến khích đẩy mạnh sản xuất tại các khu vực doanh nghiệp và hộ nuôi tôm có những điều kiện hạ tầng đảm bảo, đầu tư ứng dụng KHCN, nhất là ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát được điều kiện bất lợi đối với tôm nuôi tôm.
Để đảm bảo yêu cầu sản xuất hiệu quả, an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, khuyến cáo kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh khi môi trường không thuận lợi.
Quản lý tốt chất lượng tôm giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; các cơ quan Thanh tra chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về: sản xuất, kinh doanh tôm giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành. Các địa phương đã ký quy chế quản lý giống tôm nước lợ tích cực chia sẻ thông tin để quản lý tốt chất lượng tôm giống.
Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến để kịp thời ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu./.
VOV