MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá trị xuất khẩu cao su giảm mạnh

26-04-2018 - 08:12 AM | Thị trường

Lũy kế đến ngày 15/4/2018, giá xuất khẩu cao su trung bình ở mức 1.475 USD/tấn, thấp hơn 27,5% so với mức giá xuất khẩu trung bình cùng kỳ năm 2017.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu tháng 4/2018 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại khu vực Bình Phước dao động ở mức 10.700 - 12.100 đ/kg. Giá mủ nước tại vườn và nhà máy lần lượt ở mức 265 Đ/độ TSC và 270 Đ/độ TSC.

Theo Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 4/2018, lượng cao su xuất khẩu đạt 31.434 tấn, trị giá 45,34 triệu USD, giảm 5,2% về lượng và giảm 7,8% về trị giá so với 15 ngày trước đó; tăng 23,7% về lượng, nhưng giảm 8,7% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 4/2017. Lũy kế đến hết ngày 15/4/2018, lượng cao su xuất khẩu đạt 292.324 tấn, trị giá 431,03 triệu USD, tăng 6,4% về lượng, nhưng lại giảm 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Giá xuất khẩu cao su trung bình 15 ngày đầu tháng 4/2018 ở mức 1.442 USD/tấn, thấp hơn 2,8% so với mức giá xuất khẩu trung bình 15 ngày trước đó và thấp hơn 26,2% so với mức giá xuất khẩu trung bình 15 ngày đầu tháng 4/2017. Lũy kế đến ngày 15/4/2018, giá xuất khẩu cao su trung bình ở mức 1.475 USD/tấn, thấp hơn 27,5% so với mức giá xuất khẩu trung bình cùng kỳ năm 2017. 

Trên thị trường thế giới, giá cao su thiên nhiên từ đầu năm đến nay ở mức thấp do nguồn cung dư thừa, mặc dù 3 nước sản xuất chủ chốt gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia thỏa thuận cắt giảm lượng xuất khẩu. Thời điểm hạn chế xuất khẩu đã qua và có thể các nước sản xuất sẽ tăng xuất khẩu kể từ tháng 4/2018. 

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian vừa qua cũng là yếu tố tác động tới giá cao su tự nhiên. Mặc dù giá cao su đã tăng trong những phiên gần đây nhờ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giảm xuống, nhưng những diễn biến khó lường tiếp theo sẽ là một trong những yếu tố có tác động mạnh đến giá cao su trong thời gian tới.

Mỹ đã công bố danh sách các mặt hàng dự định đánh thuế cao khi nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có lốp hơi (pneumatic) và lốp tỏa tròn (non-radial) mới và thay thế sử dụng cho máy bay. Nếu điều này xảy ra, ngành lốp xe Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Tự nhiên (ANRPC), quý I/2018 nguồn cung cao su tự nhiên tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2017, lên 3,2 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên cũng tăng 7,6%, lên khoảng 3,4 triệu tấn. Tồn kho cao su các loại tại kho ngoại quan Thanh Đảo - Trung Quốc tính đến ngày 30/3/2018 đạt 226,5 nghìn tấn, giảm 7,3% so với 15 ngày trước đó.

Tập đoàn Continental dự báo, nhu cầu đối với lốp xe thay thế (cả tiêu dùng và thương phẩm) sẽ tăng 2%-3% trong năm 2018. Cụ thể, nhu cầu lốp thay thế cho xe tải nhẹ/xe con/xe khách sẽ tăng lên 1,25 tỷ chiếc, còn lốp xe tải vừa/nặng sẽ tăng lên 166,3 triệu chiếc. Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng trên thị trường lốp xe toàn cầu nhờ sự phát triển của thị trường xe hơi cá nhân tại nước này. Nhu cầu dự báo cũng sẽ tăng ở Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Hàn Quốc.

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên