Giá trị xuất khẩu nông sản Việt đứng thứ 15 trên thế giới
Tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam hướng tới không chỉ về số lượng mà cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng.
- 16-11-2018Nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt: Cần xử lý mạnh tay
- 13-11-2018Sơn La thu trên 115 triệu USD từ xuất khẩu nông sản trong 10 tháng
- 11-11-2018Vì sao nông sản Việt chưa được quan tâm đăng ký bảo hộ?
Tại Hội thảo Nâng cao năng lực xuất khẩu và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam: Vai trò của quản lý hóa chất nông nghiệp do Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Croplife Việt Nam tổ chức ngày 27/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – ông Lê Quốc Doanh nêu rõ, hiện nay, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới, các sản phẩm nông sản đã có mặt tại 180 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường khó tính.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản luôn đạt giá trị cao, song theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai cần phát huy tốt hơn nữa những lợi thế và tiềm năng. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo việc xuất khẩu an toàn và bền vững.
Đại diện Chương trình cấp cao USDA FAS cập nhật các yêu cầu kỹ thuật về tiêu chuẩn thương mại quốc tế đối với sản phẩm nông sản.
Cụ thể, để xuất khẩu nông sản an toàn và bền vững, ngành nông nghiệp cần xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn, đáp ứng được các quy định từ các thị trường nhập khẩu. Điều này đặt ra những yêu cầu vô cùng cấp thiết đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp khi tham gia sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản. Làm được điều này, nông nghiệp Việt Nam sẽ kịp thời xử lý được những vướng mắc, vượt qua các rào cản thương mại đang ngày càng gia tăng từ các thị trường xuất khẩu.
“Cần thúc đẩy và tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ thực vật, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu an toàn và bền vững. Yêu cầu này không chỉ đặt ra đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, đây còn là nhu cầu bức thiết của các cơ quan, tổ chức kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên thế giới”, Thứ trưởng Doanh nêu rõ.
Theo đại diện của Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam hướng tới không chỉ về số lượng mà cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng. Đơn cử như mặt hàng gạo, những năm trước đây giá bán gạo thấp vẫn khó cạnh tranh lắm, nhưng hiện nay giá gạo xuất khẩu đã tăng cao nhờ quy trình thực hiện sản xuất gạo an toàn, gạo có chất lượng chất lượng cao.Tổng giá trị xuất khẩu nông sản Việt đứng thứ 15 trên thế giới. (Ảnh minh họa) |
PSAV cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang cố gắng gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, điều này thể hiện ở quá trình tái cơ cấu nâng cao giá trị nông sản. Đặc biệt, việc sử dụng hóa chất, phân bón trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Siang Hee Tan, Giám đốc điều hành Crop Life Asia, nhận định, sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần làm tốt hơn nữa quá trình kiểm soát vật tư đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra. Việt Nam cần có chiến lược thúc đẩy nông nghiệp an toàn và bền vững, đảm bảo cho người nông dân có thu nhập cao nhất.
“Các giải pháp xuất khẩu an toàn và bền vững phải hướng đến việc mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ dừng lại ở 180 quốc gia như hiện nay. Vấn đề là làm sao phải cung cấp sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao hơn và tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng tại các nước xuất khẩu”, ông Siang Hee Tan nêu rõ./.
VOV