MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá USD và vàng bật tăng vào cuối tuần sau dữ liệu kinh tế ảm đạm của Mỹ

23-07-2022 - 19:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Giá USD và vàng bật tăng vào cuối tuần sau dữ liệu kinh tế ảm đạm của Mỹ

Đồng USD trải qua phiến cuối tuần (thứ Sáu, 22/7) biến động mạnh, theo đó giảm sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh ở Mỹ tháng 7 giảm lần đầu tiên trong vòng gần 2 năm do lĩnh vực dịch vụ giảm mạnh, mặc dù lĩnh vực sản xuất tăng nhẹ, nhưng đảo chiều tăng về cuối phiên.

S&P Global hôm thứ Sáu (22/7) cho biết chỉ số PMI tổng hợp sản xuất của Mỹ sơ bộ trong tháng này đã giảm nhiều hơn dự kiến, xuống 47,5, từ mức 52,3 (chỉ số chính thức) của tháng 6.

Chi số dưới 50 cho thấy hoạt động kinh doanh của nền kinh tế số 1 thế giới đã giảm xuống. Điều này có thể sẽ dẫn tới một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu nền kinh tế Mỹ có đang chậm lại, hoặc sắp suy thoái hay không, sau khi hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn suy thoái lúc mới bùng phát đại dịch – đầu năm 2020.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt – lúc kết thúc phiên 22/7 tăng 0,1% lên 106,2735.

Đồng USD đã tìm thấy một số hỗ trợ từ các dòng chảy trú ẩn an toàn vào cuối ngày thứ Sáu, khi nhu cầu của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro giảm bớt sau khi các chứng khoán Mỹ bán tháo do một số báo cáo cho thấy thu nhập yếu của các doanh nghiệp không như kỳ vọng.

Bipan Rai, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ khu vực Bắc Mỹ của CIBC Capital Markets ở Toronto, cho biết dữ liệu (về sản xuất của Mỹ) ảm đạm hôm thứ Sáu phản ánh một tác động đến tâm lý, tương tự như đã thấy ở những nơi khác trên toàn cầu.

Ông Rai nói: "Điều đó sự phản ánh các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn trước và áp lực lạm phát vẫn cao". Tuy nhiên, ông Rai cho biết ông không thấy đồng USD suy yếu quá nhiều vào lúc này.

"Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ có phần nào chậm lại, tôi không nghĩ rằng bạn có thể thấy đồng USD suy yếu trong trung hạn ... bởi vì chúng ta đang thấy những điều tương tự ở những nơi khác", ông Rai nói.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng tổng hợp của S&P Global, một thước đo đáng tin cậy về sức khỏe nền kinh tế, cho thấy hoạt động tổng thể ở khu vực đồng euro (Eurozone) bị thu hẹp do lĩnh vực sản xuất ngày càng suy yếu và tăng trưởng ở khu vực dịch vụ gần như đình trệ, với lạm phát cao buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu.

Đồng euro kết thúc phiên 22/7 giảm 0,4% so với USD, xuống 1,0196 USD.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 21/7 đã quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, động thái xác nhận lạm phát tăng cao hiện nay rất đáng lo ngại. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương khu vực đồng euro (ECB) trong vòng 11 năm. Mức lãi suất huy động âm (-0,5%) của ECB đã được duy trì kể từ năm 2014.

Đồng bảng Anh giảm 0,2% so với đồng USD xuống 1,1979 USD sau khi dữ liệu cho thấy các doanh nghiệp của Anh tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 17 tháng vào tháng 7, làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm trong nền kinh tế Anh, khi quốc gia này đang vật lộn với lạm phát ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ.

Mặc dù giảm trong phiên này, song tính chung cả tuần, bảng vẫn tăng so mạnh nhất 2 tháng với USD bởi dữ liệu kinh tế của Anh yếu đi nhưng của các nơi khác, từ Mỹ đến châu Âu còn kém hơn. Kết quả khảo sát vừa công bố cho thấy áp lực lạm phát ở Anh mặc dù vẫn ở mức rất cao nhưng đã giảm bớt, có thể giảm áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh tỏng việc tăng lãi suất vào tháng tới.

Đồng đô la Australia – vốn nhạy cảm với rủi ro – giảm 0,26% so với USD trong phiên vừa qua, xuống 0,6911 USD, trong khi đô la New Zealand giảm 0,17% xuống 0,6242 USD.

Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng trong phiên thứ Sáu, sau khi tỷ giá tham chiếu được điều chỉnh tăng, cho thấy biến động trên thị trường quyền chọn bắt đầu tăng trước khi Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ bắt đầu cuộc họp – vào tuần tới.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sớm ngày thứ Sáu (22/7) đã ấn định tỷ giá tham chiếu ở mức 6,7522 CNY/USD, tăng 98 pips hay 0,15% so với phiên liền trước.

Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa lúc mở cửa ở mức 6,7660 CNY, sau đó đảo chiều tăng vào cuối phiên, lên 6,7655 CNY, tăng 25 pips so với đóng cửa cuối phiên trước đó.

Trên thị trường tiền điện tử, đồng Bitcoin tiếp tục chuỗi những phiên biến động. Phiên cuối tuần, Bitcoin có lúc tăng gần chạm 24.000 USD, nhưng hạ nhiệt về cuối phiên, chốt ở mức 22.718 USD. Tính chung cả tuần, Bitcoin tăng khoảng 10% trong bối cảnh các nhà giao dịch đặt cược rằng đợt suy yếu gần đây của thị trường tiền điện tử đã kết thúc.

Giá USD và vàng bật tăng sau dữ liệu kinh tế ảm đạm của Mỹ - Ảnh 1.

Giá Bitcoin ngày 22/7.

Giá vàng tăng tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và đồng USD yếu đi, củng cố sức hấp dẫn của vàng thỏi trong bối cảnh rủi ro kinh tế vẫn tiếp diễn.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 22/7 tăng 0,2% lên 1.721,29 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng khoảng 1%, sau khi phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp nhất trong hơn một năm chạm tới vào thứ Năm (21/7), là 1.680,25 USD.

Giá vàng kỳ hạn tháng 8 trên sàn New York phiên này cũng tăng 0,8% lên 1.727,4 USD.

Phillip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures ở Chicago, cho biết đồng đô la giảm và lợi suất trái phiếu giảm đang giúp kéo giá vàng tăng trở lại.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

https://cafef.vn/gia-usd-va-vang-bat-tang-vao-cuoi-tuan-sau-du-lieu-kinh-te-am-dam-cua-my-20220723060826657.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên