Giá vàng giảm sâu, người đu đỉnh lỗ nặng: Vào lúc sóng to nhất, hy vọng lên 100 triệu/lượng, tới giờ chỉ mong bán cắt lỗ
Người buồn nhất lúc này chắc hẳn là hội đu đỉnh lúc giá vàng tăng đến 90 triệu đồng/lượng.
- 29-05-2024Chợ bán vàng "bình dân" nhất Sài Gòn: Giá vàng tăng cao nhưng cuối tuần vẫn hút khách ghé mua trang sức
- 24-05-2024Giá vàng đang "nhảy múa" mà vợ khoe đã đổi được 12 lượng vàng miếng, sau khi tra hỏi chồng ngã quỵ khi biết cách thức vợ làm
- 12-05-2024Giá vàng tăng điên loạn, nữ đại gia quận 7 đem 100 lượng đi bán?
Thời gian qua, sau khi 4 ngân hàng và công ty SJC bán vàng miếng trực tiếp tới người dân, giá vàng SJC đã chứng kiến sự đảo chiều giảm mạnh sau chuỗi ngày tăng phi mã. Tính đến chiều ngày 5/6, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm xuống dưới mốc 79 triệu đồng/lượng, thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa giá trong nước và quốc tế còn hơn 7 triệu đồng/lượng.
Trước tình hình giá vàng SJC có xu hướng giảm dần thì người buồn nhất lúc này có lẽ là… hội đu đỉnh. Chỉ cách đây không lâu, nhiều người “đu đỉnh” mua vàng miếng khi giá cao ngất với niềm kỳ vọng chốt lời thì giờ đây chuyển sang băn khoăn với câu hỏi: Nên bán để cắt lỗ hay tiếp tục cầm vàng trong tay?
Lỗ nặng chỉ sau vài tuần mua vàng
Chỉ cách chưa đầy 1 tháng, giá bán vàng miếng SJC đã liên tục lập kỷ lục, đạt mốc hơn 91 - 92 triệu đồng/lượng. Thời điểm đó, trên mạng xã hội nhiều người rủ nhau nhanh tay mua tích trữ vàng vì dự đoán giá sớm chạm mốc 100 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, “kịch bản” này đã không xảy ra, ít nhất là trong thời gian tới.
Giữa tháng 5, Đ.T (34 tuổi, Hà Nội) đã mua 3 lượng vàng miếng SJC lúc giá ở đỉnh là 90 triệu đồng/lượng. Anh nhớ lại thời điểm đó dù giá tăng cao nhưng anh cũng khó mua vàng vì các tiệm đông đúc, người mua xếp hàng dài từ cửa cho đến quầy bán. Hiện giá vàng miếng SJC giao dịch quay mốc 78-79 triệu đồng/lượng, do đó anh lỗ khoảng 11-12 triệu đồng cho mỗi lượng vàng.
Ảnh minh họa
Đ.T chọn mua vàng vì 2 lý do. Anh chia sẻ: “Động cơ mua vàng quan trọng nhất vẫn là niềm kỳ vọng giá sẽ còn tăng nữa. Động cơ còn lại là do lúc ấy mình vừa có tiền nhàn rỗi, chưa biết đầu tư vào đâu nên chọn gửi hết vào vàng.
Mình dự tính giữ vàng lướt sóng khoảng 1-2 tháng sẽ bán ra, lãi vài ba triệu đồng/lượng là bán nhưng không ngờ giá đảo chiều giảm mạnh. Từ lúc mua vàng mốc 90 triệu đồng/lượng đến giờ, mình chỉ thấy thời điểm ‘cắt lỗ’, chứ chưa thấy lúc nào ‘chốt lãi’”.
Cùng hoàn cảnh, anh Hoàng (35 tuổi, Hà Nội) cũng đang lo lắng vì tham gia làn sóng đu đỉnh vàng lúc giá 90 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 5 vừa qua nhưng không bán kịp. Tương tự Đ.T, anh Hoàng cũng phân vân không biết có nên bán hay giữ lại vàng, vì giá vàng đã giảm sâu, khiến anh lỗ đến hơn 10 triệu đồng cho mỗi cây vàng SJC đang nắm giữ.
Anh chia sẻ: “Giờ mình chỉ biết quan sát diễn biến thị trường thôi, chưa quyết định được nên bán hay cứ giữ trong két. Nếu giờ giữ vàng thì sau này giá sẽ tăng lại, nhưng về lâu dài khiến tiền của mình mất giá. Mà nếu bán vàng thì ‘cắt lỗ’ đậm quá.
Nhìn chung, đợt mua vàng ở giá đỉnh 91 triệu đồng/lượng là lần đầu tư mạo hiểm của mình. Mình chủ quan khi đánh giá sai thời điểm bong bóng giá vàng vỡ. Do đó, mình đã vào thị trường khi khoảng cách giữa 2 đầu mua và bán quá lớn, nên giờ rủi ro thua lỗ đậm thì mình tự chịu”.
Ảnh minh họa
Không riêng anh Đ.T và anh Hoàng, nếu tham gia các diễn đàn mua bán vàng trên MXH gần đây, sẽ không khó để bắt gặp những lời tâm sự của nhà đầu tư khi tham gia thị trường vào giai đoạn đỉnh. Họ cũng chia sẻ đang trong tình trạng không biết nên ôm vàng để kỳ vọng tăng giá, hay chấp nhận cắt lỗ khi giá vàng liên tiếp giảm không phanh.
Rủi ro khi đầu cơ vàng trong thời gian ngắn
Trước sự biến động của giá vàng, nhiều người có tâm lý muốn mua đi bán lại trong ngắn hạn, hy vọng kiếm được một chút tiền chênh lệch qua những phiên biến động của tài sản này. Tuy nhiên, liệu mua bán vàng ngắn hạn có thực sự là một cơ hội kiếm tiền hay không?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Gerard Do khẳng định vàng không phải là loại tài sản mà bạn nên đầu cơ, hiểu nôm na là mua vào và bán ra trong thời gian ngắn, bởi khả năng thua lỗ là rất cao.
“Nếu bạn có một khoản tiền và đang không biết làm gì với nó, bạn có thể mua vàng và quên nó đi, nghĩa là bạn giữ vàng qua nhiều đợt biến động thì tài sản của bạn vẫn còn nguyên, bảo toàn được giá trị.
Nhưng nếu bạn mua vàng với tư duy đợi giá vàng lên rồi đem bán, tôi cho rằng đây là suy nghĩ rất tai hại, vì không có thị trường nào bền vững đi lên mà không đi xuống, đặc biệt là giá vàng đã tăng quá cao dạo gần đây càng làm cho thị trường này rủi ro hơn với các khoản đầu cơ ngắn hạn”, anh Gerard Do nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Tuấn (Founder của TOPI, nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân) cũng khuyên mọi người nên cẩn trọng khi lướt vàng vào thời điểm giá đỉnh.
Nếu giá vàng đang tăng cao và mọi người vẫn muốn mua vào, thì hãy xem chúng như một lớp tài sản trong danh sách mục đầu tư dài hạn, bên cạnh các khoản đầu tư khác như gửi tiết kiệm, trái phiếu và cổ phiếu. Khi đó, nếu danh mục tài sản của bạn chưa có vàng thì có thể cân nhắc giải ngân một tỷ trọng nhỏ để mua thêm. Nếu danh mục có tỷ trọng vàng vượt mức tiêu chuẩn thì có thể chốt lời phần vượt tỷ trọng và đầu tư thêm vào lớp tài sản khác.
Nhịp sống thị trường