Giá vàng ngắn hạn đã chạm đáy?
Giá vàng đã bắt đầu có xu hướng phục hồi trong tuần này sau nhiều tuần liên tục sụt giảm. Vậy giá vàng ngắn hạn đã chạm đáy?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có tín hiệu tích cực trở lại sau chuỗi ngày bị bán tháo. Theo đó, giá vàng đã tăng từ mức 1.676USD/oz lên mức 1.740USD/oz. Tuy nhiên đến phiên cuối tuần, giá vàng lại điều chỉnh về 1.699USD/oz, rồi tăng trở lại và đóng cửa tuần ở mức 1.726USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã có xu hướng phục hồi trong tuần này khi tăng từ mức 55,1 triệu đồng/lượng lên 55,9 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi khoảng 7 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng miếng SJC vẫn đang cao hơn rất nhiều so với giá vàng quốc tế, khiến nhiều người do dự mua vào.
Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua gói kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD. Như vậy đến nay, các gói kích thích kinh tế của Mỹ trong mùa COVID-19 đã lên tới 5.000 tỷ USD, tương đương khoảng 22,6% GDP của nước này. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và khối nợ công của Mỹ, đồng thời thúc đẩy lạm phát tăng mạnh trong dài hạn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ được công bố ngày 10/3 vừa qua, thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể lên tới 1,05 nghìn tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, trong đó riêng tháng 2 khoảng 311 tỷ USD (Năm 2020 thâm hụt ngân sách 3,1 nghìn tỷ USD). Tuy nhiên, số liệu dự báo này chưa tính tới tác động từ gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, khối nợ công của Mỹ đang tiệm cận gần tới mức 28 nghìn tỷ USD và được dự báo sẽ sớm chạm mức 30 nghìn tỷ USD, tương đương gần 130% GDP. Điều này tiềm ẩn rủi ro đối với kinh tế Mỹ nói chung và USD nói riêng trong dài hạn.
Gói kích thích 1.900 tỷ USD được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, đồng thời có thể sẽ còn đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh hơn nữa (lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức 1,625%). Điều này có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến giá vàng ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn, khi kinh tế Mỹ phục hồi, cầu tiêu dùng tăng mạnh, lạm phát cũng sẽ tăng mạnh trở lại. Khi đó, vai trò trú ẩn của vàng sẽ tăng trở lại.
Ông Daniel Pavilonis, Chuyên gia phân tích của RJO Futures, cho rằng dù phục hồi trong tuần này, nhưng giá vàng ngắn hạn vẫn chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh, củng cố. Mức độ giảm của giá vàng còn phụ thuộc vào mức độ tăng của lợi suất trái phiếu. Nếu lợi suất trái phiếu hướng lên 2%, thì giá vàng có thể sẽ còn giảm mạnh hơn nữa. "Nếu giá vàng trụ vững trên 1.660USD/oz, thì sẽ sớm phục hồi trở lại lên vùng 1.800USD/oz. Ngược lại, giá vàng có thể áp sát 1.600USD/oz", ông Pavilonis nhận định và cho biết thêm, xu hướng giá vàng dài hạn vẫn tích cực vì áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh.
Giá vàng ngắn hạn có thể vẫn điều chỉnh, tích lũy.
Theo phân tích kỹ thuật, mức 1.648USD/oz (MA100 trên biểu đồ tuần) đang là mức hỗ trợ quan trọng. Nếu giá vàng vẫn trên mức này, thì sẽ có cơ hội tăng lên thách thức mức kháng cực mạnh tại 1.830USD/oz. Ngược lại, giá vàng sẽ giảm về vùng 1.600USD/oz, thậm chí thấp hơn.
Trong tuần tới, FED sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 17/3. Chắc chắn FED sẽ vẫn giữ lãi suất cơ bản ở mức 0- 0,25%, nhưng thông điệp chính sách tiền tệ mới của FED sẽ như thế nào khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh đang là điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm chờ đợi. "Mọi thông điệp cảnh báo lo ngại áp lực lạm phát của FED đều đẩy giá vàng tăng mạnh trong ngắn hạn", ông Pavilions nhấn mạnh.
Diễn đàn doanh nghiệp