Giá vàng nhẫn 99,99 tăng sốc lên mức chưa từng có, vượt cả vàng miếng SJC
Giá vàng nhẫn 99,99 lần đầu tiên bán ra vượt 85,5 triệu đồng/lượng, trong khi chiều mua vào được doanh nghiệp đẩy lên cao hơn cả giá vàng miếng SJC
- 18-10-2024Ông Đỗ Đức Thành và Phạm Chí Thành làm Phó Tổng Giám đốc Agribank
- 18-10-2024Chân dung Tân Tổng giám đốc 8x của VietinBank: Từ nhân viên quan hệ khách hàng sau 20 năm trở thành CEO 'Big 4'
- 18-10-2024Tỷ giá USD tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh hút tiền sau gần 2 tháng tạm ngưng
Cuối ngày 18-10, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 84 triệu đồng/lượng, bán ra 86 triệu đồng/lượng - duy trì ở mức cao so với những ngày trước.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 99,99 gây bất ngờ khi tăng vọt. Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn mua vào 83,85 triệu đồng/lượng, bán ra 84,95 triệu đồng/lượng.
Công ty PNJ đẩy giá vàng nhẫn vượt 85 triệu đồng, lên tới 84,4 triệu đồng/lượng mua vào, 85,39 triệu đồng/lượng bán ra.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn trơn vượt 85,5 triệu đồng/lượng, khi được mua vào 84,52 triệu đồng/lượng, bán ra 85,52 triệu đồng/lượng.
So với hôm trước, mỗi lượng vàng nhẫn đã tăng thêm hơn 1 triệu đồng. Đây cũng là mức chưa từng có của giá vàng nhẫn trong lịch sử.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp mua vào vàng nhẫn với giá vượt cả giá mua vào vàng miếng SJC. Giá vàng miếng mua vào 84 triệu đồng, trong khi giá vàng nhẫn được nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mua vào tới 84,5 triệu đồng. Chênh lệch giá mua – bán vàng nhẫn chỉ còn 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước nhảy vọt theo đà tăng sốc của giá vàng thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng cuối ngày (theo giờ Việt Nam) tiếp tục vượt 2.710 USD/ounce, lên tới 2.713 USD/ounce - tăng tổng cộng gần 50 USD mỗi ounce so với phiên trước. Đây cũng là mức kỷ lục của giá vàng thế giới và vượt mọi dự báo trong năm nay đối với kim loại quý này.
Giá vàng tăng cao nhưng nguồn cung vàng miếng SJC và vàng nhẫn 999,9 vẫn hạn chế. Nhiều người cho biết có nhu cầu mua vàng nhưng không dễ. Ngay cả ở một số tỉnh, thành phố, việc bán vàng cũng khó khăn khi rất nhiều tiệm hiện không còn đủ điều kiện để được cấp phép giao dịch mua bán vàng miếng.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định vàng như nhiều loại hàng hóa khác, giá cả biến động theo cung cầu thị trường. Nếu nguồn cung vàng nhiều, giá sẽ tự giảm. Do đó, cơ quan quản lý cần nhanh chóng có giải pháp để thị trường này hoạt động một cách bình thường.
Phương án ổn định thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua thông qua 4 ngân hàng thương mại (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) và Công ty SJC để bán vàng ra thị trường, đưa ra giá bán hằng ngày đã giúp thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ nhiều người muốn mua vàng không dễ. Điều này, theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, đã khiến nhiều người sở hữu vàng có tâm lý không bán ra hoặc nếu cần tiền cũng đem ra thị trường tự do để bán với giá cao hơn.
"Về lâu dài, cần sớm nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, trong đó nhanh chóng nghiên cứu chứng chỉ vàng để có thể thay thế vàng vật chất. Đồng thời, sớm cho các doanh nghiệp được nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Bởi lẽ, tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất vàng nhẫn đã thúc đẩy giá tăng nhanh" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nhận xét.
Người lao động