Giá vàng phải chăng đã miễn nhiễm với lạm phát?
Giá vàng cho đến nay đã thất bại trong việc hồi phục bất chấp lạm phát ở Mỹ cao nhất trong vòng gần 30 năm, cho thấy những quy luật bấy lâu nay của thị trường vàng có thể đã bị phá vỡ.
- 14-12-2021Giá vàng SJC miệt mài đi lên
- 14-12-2021USD và vàng mạnh lên, Bitcoin lại lao dốc
- 13-12-2021Vàng sẽ tăng lên 2.000 USD/ounce vào năm 2022?
Giá vàng giao ngay kết thúc ngày 14/12 theo giờ Việt Nam ở mức 1.784,26 USD/ounce, giảm mạnh so với mức cao gần đây là 1.876,90 USD đạt được vào ngày 16/11.
Sóng tăng giá gần đây nhất của mặt hàng vàng là khi xuất hiện virus biến thể Omicron gây lo ngại về những hạn chế mới trong việc đi lại cũng như nhiều hạn chế khác ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực chiến đấu chống lại đại dịch dai dẳng.
Nỗi lo của các nhà đầu tư sau đó được xoa dịu khiến giá vàng quay trở về dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce, trong khi những lo lắng ngày càng gia tăng về sự bùng phát lạm phát trên toàn cầu lại tác động rất ít đến giá vàng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ đã tăng 6,8% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 6 năm 1982, do chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng trong bối cảnh những hạn chế của chuỗi cung ứng vẫn tồn tại.
Nhưng dữ liệu CPI được công bố vào ngày 10 tháng 12 đó hầu như không làm cho giá vàng giao ngay có phản ứng gì. Giá kim loại quý này khi đó vẫn đao dộng trong biên độ hẹp, mặc dù đóng cửa phiên đó tăng nhẹ 0,5% lên 1.782,51 USD/ounce.
Quan điểm của thị trường là lạm phát tăng cao sẽ tốt cho giá vàng dựa trên việc nhà đầu tư sẽ hướng tới vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Nói cách khác, vàng là một tài sản sẽ giữ được giá trị tốt hơn những tài sản khác khi giá trị của tiền tệ bị xói mòn bởi hàng hóa tăng giá.
Lý thuyết này phần lớn bắt nguồn từ cuối những năm 1970 - đầu những năm 1980, khi vàng tăng giá mạnh trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ những năm 1940.
Giá vàng giao ngay khi đó đã tăng từ 226 USD/ounce vào cuối năm 1978 lên mức đỉnh cao 666,75 USD vào tháng 9 năm 1980 khi CPI của Mỹ tăng lên mức 14,73% vào tháng 4 năm 1980.
Lạm phát của Mỹ sau đó có xu hướng giảm xuống chỉ còn hơn 1% vào cuối năm 1986, trong khi vàng trải qua 27 năm tiếp theo trồi sụt trước khi vượt qua mức đỉnh 1980 vào giữa năm 2007.
Yếu tố Trung Quốc và Ấn Độ
Tuy nhiên, đà tăng kéo dài của vàng từ khoảng năm 2000 trở đi không phải do lạm phát, hay thậm chí là lãi suất, mà có vẻ liên quan nhiều hơn đến sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ với tư cách là hai nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Sự giàu có ngày càng tăng ở hai quốc gia đông dân nhất thế giới, cùng với mối liên quan chặt chẽ đến của kim loại quý với nền văn hóa quốc gia đã thúc đẩy nhu cầu vàng mạnh đến mức Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới khoảng một nửa nhu cầu vật chất toàn cầu.
Bên cạnh đó giá vàng cũng được đẩy lên cao do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và gần đây là trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19 vào năm ngoái, khi đó vàng đạt mức cao kỷ lục lịch sử, 2.072,49 USD/ounce vào ngày 6 tháng 8 năm 2020.
Điểm đáng chú ý là hai lần tăng đột biến gần đây nhất của vàng được thúc đẩy chủ yếu bởi lo ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu, và hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ vấn đề lạm phát nào.
Để lạm phát đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giá vàng thì lạm phát sẽ phải tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay và duy trì trong một thời gian dài.
Điều này vẫn có thể xảy ra, nhưng trong thời gian sắp tới, nhiều khả năng giá vàng sẽ phải vượt qua trở ngại khi lãi suất tăng – làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại vàng – vốn không mang lại lãi suất.
Có những dấu hiệu đáng mừng trên thị trường vàng vật chất khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy nước tiêu dùng vàng nhiều nhất thế giới - Trung Quốc - đã mua 221,5 tấn vàng trong quý 3, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhu cầu tiêu dùng của Ấn Độ tăng 47% lên 139,1 tấn.
Tuy nhiên, tổng nhu cầu vàng trên toàn cầu đã giảm 7% trong quý 3 xuống còn 830,8 tấn do nhu cầu vàng thỏi và tiền xu giảm cũng các quỹ giao dịch hoán đổi vàng giảm nắm giữ kim loại quý này.
Trong những năm gần đây, lượng vàng các quỹ ETF nắm giữ có mối tương quan chắc chắn với giá giao ngay, và điều đáng chú ý là quỹ lớn nhất - SPDR Gold Trust - đã có xu hướng giảm nắm giữ vàng trong năm nay. Theo đó, tính đến 10/12, quỹ SPDR Gold Trust nắm giữ 31.59 triệu ounce vàng, giảm so với mức cao nhất kể từ năm 2020, là 41,12 triệu ounce đạt được vào tháng 9.
Như vậy, nhìn chung, có lẽ việc theo dõi các biến động trong quỹ ETF và tình trạng nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cung cấp tín hiệu mạnh mẽ hơn cho giá vàng hơn là lo lắng về lạm phát.
Lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ ETF giảm mạnh.
Tham khảo: Refinitiv