MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng sắp trải qua quý giảm tồi tệ nhất kể từ 2016

31-03-2021 - 14:21 PM | Thị trường

Giá vàng sắp trải qua quý giảm tồi tệ nhất kể từ 2016

Giá vàng thế giới hôm nay 31/3 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tuần và sắp kết thúc quý giảm mạnh nhất trong vòng hơn 4 năm do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và USD đều tăng.

Sáng nay 31/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/3, là 1.677,61 USD/ounce, đến trưa nay ở 1.679,41 USD/ounce. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá đã giảm hơn 3%, và từ đầu năm đến nay mất 11,4%.

Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4/2021 trưa nay cũng giảm 0,4% so với hôm qua, xuống 1.679,10 USD/ounce.

Trong nước, giá vàng tháng này giảm nhưng với tốc độ thấp hơn nhiều so với vàng quốc tế. cụ thể, Công ty VBĐQ Sài Gòn sáng 31/3 niêm yết giá vàng SJC mua vào ở mức 54,20 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 55,60 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 1 triệu đồng so với mức lần lượt 55,90 triệu (mua vào) và 56,33 triệu (bán ra) cách đây một tháng.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết: "Giá vàng đang dễ bị 'tổn thương' do sức mạnh của đồng USD", và "Đà hồi phục của đồng USD vẫn chưa kết thúc sau khi đã kéo dài suốt vài tuần qua, khiến giá vàng khó "dò đáy".

Chỉ số dollar index so với rổ các đồng tiền chủ chốt hôm nay đã tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 5 tháng, sắp kết thúc tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016. Tiến triển đáng khích lệ của chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 tại Mỹ đã đưa đến hy vọng về đà phục hồi nhanh hơn của nền kinh tế nước này, từ đó làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD.

Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng duy trì ở mức gần cao nhất 14 tháng và đang trên đà hướng tới tháng tăng thứ 4 liên tiếp, khiến cho vàng thỏi trở nên kém hấp dẫn vì vốn không sinh lời bằng lợi suất.

Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff thuộc trung tâm Kitco Metals cũng cho biết sự chênh lệch lớn về lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Mỹ và các nước châu Âu khiến dòng chảy vào "đồng bạc xanh" gia tăng gây áp lực lên kim loại quý.

Trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến một "cơn sốt" về giá vàng, trong đó, những yếu tố chính khiến giá vàng lên cao vào hồi năm ngoái là đồng USD hạ giá, tình hình bất ổn do đại dịch Covid-19 và kỳ vọng Mỹ tăng lãi suất. Theo đó, năm 2020 giá vàng đã tăng mạnh 24%, tháng 8/2020 có lúc đạt trên 2.000 USD/oz, mức cao nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên bước vào năm 2021, vàng đã dần sức hấp dẫn, trong bối cảnh USD và lợi tức trái phiếu Mỹ không ngừng tăng. Trong 5 năm qua, vàng và bạc đã vượt trội so với cả lợi suất của Mỹ và đồng USD. Thế nhưng, diễn biến này đã thay đổi đáng kể trong đầu năm nay. Các nhà đầu tư đang theo xu hướng "đổ tiền" vào những mặt hàng nổi trội khác như đồng, tăng 47% tính đến thời điểm hiện tại, bạch kim (tăng 20%) và palađi (tăng 33%).

Kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục mạnh mẽ nhờ tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 vượt trội so với nhiều cường quốc khác. Theo đó, niềm tin tiêu dùng của người dân nước này tháng 3/2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát, làm dấy lên hy vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc trong những tháng tới.

Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, Phillip Streible, nhận định giá vàng khó có thể vượt khỏi biên độ 1.700 -1.750 USD/ounce cho đến cuối năm nay khi tăng trưởng và lạm phát dường như đình trệ với các nhà đầu tư ưa thích các tài sản và hàng hóa theo sát đà tăng của lạm phát.

Tuần tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố kế hoạch trị giá hàng tỷ USD về xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng của Mỹ, nhất là đảm bảo việc tăng đầu tư vào những công nghệ mới đầy hứa hẹn như máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học.

Tham khảo: Reuters


Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên