Giá vàng tiến đến 1.900 USD do căng thẳng Ukraine - Nga gia tăng
Giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất 8 tháng và gần chạm mốc 1.900 USD/ounce sau khi một bản tin của Nga về vụ nổ súng cối ở miền đông Ukraina đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt chuyển hướng tới tài sản trú ẩn an toàn.
- 17-02-2022Thị trường ngày 17/02: Giá dầu, vàng, kim loại cơ bản đồng loạt tăng cao
- 16-02-2022Cuộc khủng hoảng năng lượng có thể kéo giá vàng tăng phi mã như thế nào?
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 17/2 theo giờ Việt Nam tăng 1,58% lên 1.897,76 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 11/6; vàng kỳ hạn tháng 4/2022 cũng tăng 1,3% lên 1.896,50 USD. Như vậy, trong tuần này, giá vàng đã tăng gần 4%.
Trong nước, giá vàng cũng tăng mạnh. Cuối chiều 17/2, giá vàng miếng SJC tăng lên mức 62,55 - 63,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó Công ty PNJ niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 62,5 - 63,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Vàng nhẫn 9999 giá tăng lên mức 54,45 triệu đồng/lượng, ngang với mức giá ở thời điểm ngày Thần Tài.
Diễn biến giá vàng.
Các nhà đầu tư đã giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro sau khi các phiến quân và lực lượng quân sự ở Ukraina hôm 17/2 đều đưa ra cáo buộc rằng bên nọ đã bắn bên kia qua đường ranh giới ngừng bắn ở miền đông Ukraina.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Nga vẫn đang chuyển các đơn vị chính yếu áp sát biên giới của Ukraine dù Moscow vẫn khẳng định đang rút lui.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết: "Đến thời điểm thực sự không chắc chắn và sự lo lắng đang tăng cao, vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn để các nhà đầu tư tìm đến".
Trong khi đó, hãng thông tấn RIA đưa tin Nga đã trục xuất phó đại sứ Mỹ Bartle Gorman và Washington sẽ đáp trả động thái này.
"Các sự kiện ở biên giới Ukraine không chỉ khiến các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, mà vàng còn được xem như biện pháp bảo vệ nhà đầu tư chống lại lạm phát tăng cao, giữa bối cảnh giá dầu và khí đốt sẽ còn cao hơn nữa nếu Nga tấn công Ukraina", Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết.
Làm rõ nghĩa hơn vấn đề này, ông Edward Moya, chuyên gia phân tích của Quỹ OANDA cho biết vàng đang thu hút nhiều nhà đầu tư để tìm kiếm sự bảo vệ vì họ nhận ra rằng sẽ không có giải pháp nhanh chóng cho tình huống căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Biên bản cuộc họp tháng 1/2022 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố cho thấy các nhà hoạch định chính sách có ý định bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, và điều này không có lợi cho vàng. Trong khi đó, dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tuần qua bất ngờ tăng, nhưng vẫn liên quan đến việc các điều kiện của thị trường lao động bị thắt chặt.
Tuy nhiên, thị trường vàng lúc này không chú ý nhiều tới vấn đề này. Và cuộc xung đột địa chính trị leo thang thậm chí có thể tác động nhiều hơn cả việc tăng lãi suất bởi môi trường vĩ mô hiện tại khiến các nhà đầu tư cho rằng dường như Fed đã hành động quá trễ.
Nicky Shiels, người phụ trách mảng chiến lược kim loại của MKS PAMP cho biết: "Với lạm phát Mỹ đang ở mức cao mới trong 4 thập kỷ như vậy, các thị trường đang lo lắng rằng Fed đã mắc phải một sai lầm chính sách khác khi hành động quá muộn".
Theo ông: "Mỹ có mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1982, trùng hợp với việc Fed vẫn đang nới lỏng về mặt kỹ thuật (thị trường giả định không chính xác rằng việc giảm dần nghĩa là thắt chặt, nhưng Fed chỉ đơn giản là tăng thêm tính thanh khoản)", "Thị trường đang chuyển từ nhận định Fed trong thời gian vừa qua đã mắc sai lầm (không nhận định đúng về lạm phát vì chỉ coi đó là tạm thời) sang tiềm ẩn một sai lầm mới (khiến kinh tế suy thoái sớm do tăng mạnh lãi suất hoặc lạm phát không thể lường trước được)".
Còn về sự căng thẳng bùng phát giữa Nga và Ukraine, tình hình địa chính trị có vẻ thuận lợi hơn cho vàng, khác với thông thường là lo ngại về địa chính trị thường là động lực tạm thời cho kim loại quý.
Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân khiến giá vàng tăng cao trong tuần qua là do nguy cơ lạm phát ngày càng gia tăng, với nhiều nhà đầu tư lựa chọn kim loại trú ẩn an toàn để bảo vệ khỏi chi phí giá tăng. Điều này được tiếp thêm sức mạnh bởi yếu tố địa chính trị.
"Chúng tôi luôn lưu ý mọi người rằng địa chính trị tạo ra những cơ hội tốt hơn cho vàng. Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh yếu tố địa chính trị còn có những yếu tố quan trọng khác, như sự không chắc chắn liên quan đến chính sách của Fed và lạm phát, thị trường rộng lớn đang ‘nổi giận’ bởi những sai lầm (của Fed), và thời điểm đường cong lợi suất sẽ càng thúc đẩy vàng tăng mạnh hơn. Giá vàng dự báo sẽ tăng hơn nữa, nhưng sẽ trong tình trạng biến động rất mạnh", ông Shiels nói.
Cũng theo ông Shiels: "Vàng có khả năng gây ra một ‘cuộc chiến’ do những yếu tố kể trên cộng với nhu cầu vật chất mạnh mẽ. Dự báo trong ngắn hạn, giá sẽ duy trì trên mức khoảng 1.850 USD".
Tham khảo: Reuters, Kitco