Giá vật liệu xây dựng bất thường, 2 giám đốc sở phải tổ chức kiểm điểm
Thanh tra đã chỉ ra nguyên nhân giá vật liệu xây dựng tại tỉnh Phú Yên đang tăng cao bất thường gấp 2 - 3 lần khu vực xung quanh khiến hàng loạt dự án trọng điểm ở địa phương chậm tiến độ. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng đã yêu cầu giám đốc các sở, ngành chỉ đạo tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với các tập thể và cá nhân liên quan.
- 22-11-2023Sắp khánh thành 2 dự án giao thông quan trọng ở Cà Mau
- 22-11-2023Dự án đường Vành đai 4: Hưng Yên khởi công xây dựng đường song hành
- 22-11-2023Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trạm biến áp 220kV Văn Điển và đấu nối
Giá cao bất thường, khan hiếm nguồn cung
Ngày 23/11, UBND tỉnh Phú Yên cho biết vừa ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường; việc lập, đăng ký giá, thẩm định và công bố giá vật liệu xây dựng (VLXD).
Theo kết quả thanh tra, từ năm 2022 đến tháng 5 năm nay, tại địa phương đã xuất hiện tình trạng giá các loại VLXD tăng bất thường. Cụ thể, giá đá tại mỏ là 300.000 đồng/m3 (không có hóa đơn), giá cát không rõ nguồn gốc đã lên mức 200.00 đồng/m3. Thời điểm thanh tra, công tác quy hoạch thăm dò, khai thác khoảng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 284 điểm mỏ, trong đó 132 mỏ đất đắp (tổng diện tích 2.240 ha), 67 mỏ cát xây dựng (tổng diện tích 1.533 ha) và 85 mỏ đá xây dựng (tổng diện tích 982 ha).
Thế nhưng, số lượng mỏ VLXD thông thường tại địa bàn tỉnh này đưa vào khai thác quá ít nên nguồn cung cấp vật liệu không đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công trình dẫn đến thiếu hụt, khan hiếm. Cụ thể, tổng công suất của 21 mỏ đất đắp, cát xây dựng đang khai thác hàng năm chỉ đáp 11-16% nhu cầu; còn tổng công suất 9 mỏ đá đang khai thác chỉ đáp ứng 51% nhu cầu thực tế.
Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến giá VLXD ở địa phương tăng cao như thủ tục cấp phép kéo dài, nhu cầu tăng đột biến. Trong đó, có một số mỏ đã đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản nhưng chậm đưa vào khai thác vì sau khi đấu giá thành công, doanh nghiệp phải hoàn tất nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều sở, ngành và địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất rồi mới đề nghị địa phương cập nhật các quy hoạch khai thác khoáng sản. Vì vậy, từ lúc doanh nghiệp nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đến khi được chấp thuận mất rất nhiều thời gian.
Khai thác khoáng sản trái phép còn nhiều
Trong kết luận thanh tra, đoàn thanh tra liên ngành của UBND tỉnh Phú Yên phát hiện một số địa phương thực hiện chưa nghiêm công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, dẫn đến có nhiều vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Một số điểm gây bức xúc dư luận được UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với một số lãnh đạo huyện Tuy An, Tây Hòa và Phú Hòa.
Một số mỏ cát điển hình như mỏ cát của Công ty TNHH Xây dựng Việt Phát Đạt (ở thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) có diện tích 1 ha, công suất khai thác 10.000 m3/năm. Mỏ cát này được cấp phép từ tháng 8/2016, thời hạn khai thác hơn 12 năm nhưng qua kiểm tra thực địa vẫn còn nguyên hiện trạng, không có dấu hiệu khai thác.
Tuy nhiên, tại khu vực lân cận nằm ngoài phạm vi cấp phép, đoàn kiểm tra nhận thấy địa hình có nhiều điểm lõm, có dấu hiệu mới khai thác nên lực lượng chức năng đã tiến hành đo đạc khu vực đã khai thác. Kết quả, công ty này khai thác trái phép ngoài phạm vi cấp phép là 38.671 m2 với độ sâu khai thác khoảng 4-5 m.
Qua thanh tra mỏ cát sông Đà Rằng của Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Phú Hòa (ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), lực lượng chức năng nhận thấy, công ty chưa thực hiện trách nhiệm quản lý, lưu trữ và sử dụng số liệu về khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 43, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
Kết quả thanh tra của UBND tỉnh Phú Yên cũng chỉ rõ, một số tổ chức và cá nhân trong quá trình thi công công trình, dự án (do UBND các huyện, thị xã, thành phố hoặc các ban, của tỉnh làm chủ đầu tư hoặc do doanh nghiệp trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp) đã tự ý vận chuyển đất, đá… trong khu vực công trình đang thi công ra ngoài để bán hoặc phục vụ cho các công trình khác ngoài phạm vi công trình đang thi công.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm về trách nhiệm công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ VLXD; việc lập, đăng ký giá, thẩm định, công bố giá VLXD thông thường trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm các tập thể, cá nhân liên quan đến công tác tham mưu quản lý Nhà nước đối với các mỏ VLXD. Yêu cầu Sở Tài chính tỉnh xử lý nghiêm những doanh nghiệp không thực hiện niêm yết giá, niêm yết giá bán không đúng và yêu cầu Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn chặn việc khai thác, kinh doanh, tàng trữ và vận chuyển khoáng sản trái phép.
Tiền phong