MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng dầu dự báo sắp có mức tăng ám ảnh, chuyên gia khuyến nghị Bộ Tài chính xem lại mức thu thuế

Giá xăng dầu dự báo sắp có mức tăng ám ảnh, chuyên gia khuyến nghị Bộ Tài chính xem lại mức thu thuế

Dự báo ngày mai giá xăng thậm chí có thể tăng trên 3.000 đồng/lít, bởi vẫn chưa được áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường trong khi số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chỉ còn dư hơn 600 tỷ đồng...

Ngày mai (11/3), Liên Bộ Tài chính, Công Thương sẽ có kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Dự báo tại kỳ điều chỉnh này, giá xăng dầu sẽ tăng từ 2.000 đồng - 3.000 đồng/lít.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/3 với RON92 là 133,8 USD một thùng, RON95 135,5 USD một thùng, tăng 18-20% so với đợt điều chỉnh trước đó. Đặc biệt, ngày 8/3, xăng RON92 chạm mốc gần 150 USD một thùng, cao nhất trong 14 năm qua.

Nhiều chuyên gia dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng sau khi Mỹ chính thức áp lệnh trừng phạt đối với dầu Nga. Tuy nhiên, diễn biến giá dầu trong sáng nay lại giảm mạnh sau khi UAE ủng hộ tăng sản lượng.

Sáng 10/3, giá dầu Brent đã giảm 16,84 USD, tương đương 13,2%, xuống còn 111,14 USD/thùng, phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 21/4/2020. Giá dầu WTI giảm 15,44 USD, tương đương 12,5%, còn 108,7 USD/thùng, phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021.

Dù vậy, mức giảm giá này chưa tác động ngay đến kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày mai (11/3) nên chắc chắn, giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ tăng mạnh khi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) chỉ còn số dư hơn 600 tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm 2020, số dư Quỹ BOG đã giảm gần 15 lần.

GIÁ XĂNG CÓ THỂ TĂNG TỚI 3.000 ĐỒNG/LÍT

Giá xăng thế giới hiện đã tăng rất cao, trong khi dư địa sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện còn rất ít ỏi. Chênh lệch giá xăng dầu trong 10 ngày qua ở mức trên 20%, nên kỳ điều hành mới, giá xăng có thể tăng tới 2.400 đồng một lít, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu tại TP.HCM cho biết.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cũng cho rằng, ngày mai giá xăng thậm chí có thể tăng trên 3.000 đồng/lít bởi vẫn chưa được áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường.

Nếu vừa sử dụng chi quỹ BOG, vừa cho giảm thuế môi trường khoảng 2.000 đồng/lít mới làm giảm mức tăng giá xăng.

Tại kỳ điều hành trước (ngày 1/3), giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 469-547 đồng mỗi lít hoặc kg.

Cụ thể, Xăng E5RON92 tăng 545 đồng/lít so với giá hiện hành; Xăng RON95-III tăng 547 lít/kg; Dầu diesel tăng 509 đồng/lít; Dầu hoả tăng 469 đồng/lít và dầu mazut tăng 536 đồng/lít.

Giá xăng dầu dự báo sắp có mức tăng ám ảnh, chuyên gia khuyến nghị Bộ Tài chính xem lại mức thu thuế - Ảnh 1.
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ ngày 10/9 đến nay

Giá bán sau khi điều chỉnh:

- Xăng E5RON92 không cao hơn 26.077 đồng/lít.

- Xăng RON95-III không cao hơn 26.834 đồng/lít.

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 21.310 đồng/lít.

- Dầu hỏa: không cao hơn 19.978 đồng/lít.

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 18.468 đồng/kg.

GIẢM THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 1.000 ĐỒNG/LÍT, CHUYÊN GIA CHÊ QUÁ ÍT

Giá xăng dầu dự báo sắp có mức tăng ám ảnh, chuyên gia khuyến nghị Bộ Tài chính xem lại mức thu thuế - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành



Liên quan đến phương án giảm thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính đưa ra, nhiều chuyên gia cho rằng, mức giảm này là quá thấp. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất, mức giảm sâu nhất là 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít dầu, thời hạn áp dụng đến hết 31/12 năm nay.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, phương án hỗ trợ thuế phí cho xăng dầu hiện nay có thể chia làm 2 loại và thực hiện đồng thời cả hai.

Với thuế phí được tính theo giá trị tuyệt đối như thuế bảo vệ môi trường, thì cần phải sâu hơn nữa, cao hơn đề xuất của Bộ Tài chính.

"Mức giảm 1.000 đồng/lít trong giai đoạn hiện nay là rất ít ỏi, không thể đạt hiệu quả hỗ trợ người dân và cả nền kinh tế. Nhìn tổng thể, mức giảm phải lớn hơn rất nhiều so với mức mà Bộ Tài chính đề xuất", TS. Thành nói.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện không có nhiều ý nghĩa bởi diễn biến tăng quá lớn của thị trường nên chỉ có giảm thuế phí mới hỗ trợ được người dân trong lúc này.

Bù lại, để giảm thiểu ảnh hưởng tới các dự án hoặc kế hoạch đang triển khai bằng nguồn vốn thu từ thuế bảo vệ môi trường thì có thể rút ngắn thời gian giảm thuế như đề xuất của nhiều bộ ngành, TS. Thành phân tích.

Thứ hai, với các loại thuế phí thu theo tỷ lệ giá xăng, Bộ Tài chính có thể nghiên cứu giảm phần tăng thu do giá xăng tăng.

Khi lập dự toán ngân sách, Bộ Tài chính sẽ đưa ra kịch bản giá dầu là 80 USD/thùng chẳng hạn và ước tính tỷ lệ thu được theo mức giá này. Hiện nay, giá dầu tăng đến 130-140 USD/thùng, như vậy mức thuế phí thu theo tỷ lệ sẽ tăng theo giá xăng dầu.

Ước tính hiện thuế phí đang ở mức 40% giá xăng, khi giá xăng tăng khoảng 60%, thuế phí thu được cũng sẽ tăng thêm 60% của mức dự kiến ban đầu. Vậy đây chính là phần tăng mà ngân sách chưa tính đến.

"Có thể giảm phần này mà không ảnh hưởng tới dự toán ngân sách", TS. Võ Trí Thành chỉ ra.

Ngoài ra, về dài hạn, các quy định về giá xăng dầu có thể sẽ phải tiếp tục chỉnh sửa như rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu để bám sát thị trường hay điều chỉnh thuế phí về dài hạn phù hợp với diễn biến giá cả,...

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên