MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng dầu tăng mạnh, người dân, doanh nghiệp 'gánh' thêm nhiều nỗi lo

15-02-2022 - 14:00 PM | Thị trường

Giá xăng dầu tăng mạnh, người dân, doanh nghiệp 'gánh' thêm nhiều nỗi lo

Từ ngày 11/2, giá xăng vượt mốc 25.000 đồng/lít, mức cao nhất trong 8 năm qua đã gây áp lực lớn đối với nhiều ngành nghề, tác động mạnh tới mặt bằng giá cả, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.

Ngày 11/2, giá xăng RON 95 trong nước vượt mốc 25.000 đồng/lít. So với đầu năm 2021, mặt hàng tăng gần 8.700 đồng/năm. Sau 3 lần tăng liên tiếp đầu năm, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 8 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.069 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 818 đồng đối với xăng RON 95.

Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 19.865 đồng/lít; dầu hỏa là 18.751 đồng/lít và dầu mazut là 17.659 đồng/kg.

Lần này nếu không chi quỹ bình ổn giá, giá xăng E5 RON 92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng từ 1.058-1.362 đồng/lít so với giá hiện hành.

Mặc dù liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định duy trì mức chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức từ 100-400 đồng/lít, giá các mặt hàng này vẫn tăng cao.

Vận tải, dịch vụ thêm lao đao

Với mức giá xăng vượt 25.000 đồng/lít, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, nhất là vận tải càng thêm lao đao khi chưa kịp khôi phục lại 100% công suất hoạt động do dịch Covid-19. Vì xăng dầu chiếm 30 - 40% đơn giá vận chuyển nên việc nhiên liệu đầu vào tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải. 

Hiện các đơn vị đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi mỗi chuyến chỉ có vài hành khách.

Thậm chí, sau khi biết giá xăng tăng, nhiều người dân còn chuyển sang lựa chọn đi xe máy để tiết kiệm chi phí. "Chỉ tính tiền xăng xe đã tốn hơn 1 triệu đồng/tuần; nếu thêm chi phí sửa chữa và bảo dưỡng, gửi xe ô tô… thì mỗi tháng tiêu tốn gần 3 triệu đồng", một nhân viên văn phòng lo lắng.

Bên cạnh người dân, các tài xế xe ôm, taxi công nghệ cũng không giấu được lo lắng khi giá xăng tăng cao kỷ lục thời gian qua. Giá xăng dầu tăng mạnh, cộng với việc phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến chi phí di chuyển đội lên đáng kể.

"Giá cước taxi vẫn là 12.500 đồng/km nhưng giá xăng lại tăng liên tục, chưa kể chi phí điện thoại, chiết khấu, quãng đường đón trả khách khiến tài xế như chúng tôi rất vất vả. Hôm qua tôi cũng tranh thủ đi đổ đầy bình xăng trước giờ tăng giá", một tài xế hãng taxi Mai Linh chia sẻ.

Nhiều ứng dụng xe công nghệ vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh cũng như không đủ tài xế để chạy xe. Việc xăng tăng khiến giá cước mỗi chuyến có sự điều chỉnh tăng so với thời điểm trước Tết. 

Tóm lại, người chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng vì xăng tăng, dịch vụ vận chuyển, giá nguyên liệu, các mặt hàng đều phải tăng theo.

Người dân lo lắng về giá cả

So với thời điểm đầu năm 2021, giá thực phẩm tươi sống, gạo, dầu ăn và các loại thực phẩm chế biến sẵn... đã tăng 10-30% vì đà tăng liên tục của giá xăng dầu. Trong báo cáo gần đây, Cục Quản lý giá cũng nhận định trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới.

Do sức ép giá thực phẩm tăng, cộng với giá ga "phi mã", nhiều chủ quán ăn cho biết, sắp tới buộc phải tăng giá bán để duy trì hoạt động của cửa hàng.

Nhiều quán ăn cũng đã tăng giá bán vì sức ép giá nguyên liệu tăng ngay từ thời điểm sau Tết. Đơn cử, bún đậu mắm tôm tăng 10.000-15.000 đồng/suất; bánh xèo 60.000 đồng/suất 10 cái thì nay tăng lên 70.000 đồng; bún bò 35.000 đồng/suất nay cũng tăng giá 50.000 đồng/suất...

Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, bà Lương Thị Oanh (Hoàn Kiếm) cho biết, trong 2 kỳ điều hành gần đây, giá xăng chỉ tăng mỗi lần điều chỉnh là gần 1.000 đồng/lít và thực tế, một số hàng phở ở Hà Nội đã tăng giá, đơn cử như phở Thìn ở số 13 phố Lò Đúc (Hà Nội) đã tăng đến 90.000 đồng/bát.

"Một suất phở Thìn tăng 90.000 đồng/suất là cao gấp 3 lần mức giá bán bình quân một bát phở ở Hà Nội. Không chỉ phở Thìn mà sau Tết Nguyên đán, một số hàng phở đã tăng giá 5.000 đồng/suất", bà Oanh cho hay.

Cũng theo bà Oanh, xăng tăng thì tất cả mọi thứ đều tăng nhưng mọi thứ không tăng theo tỷ lệ với xăng dầu. Điều này khiến người dân khó kiểm soát giá cả các mặt hàng.

Với quan điểm trên, bà Oanh cho rằng, xăng dầu tăng giá “kéo” theo chi phí các ngành, hàng khác cũng tăng là hệ lụy bất tương xứng mà khách hàng phải chịu.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giá xăng dầu liên tục tăng sẽ tạo áp lực cho lạm phát. Giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục nền kinh tế cũng như chất lượng đời sống người dân.

https://cafef.vn/gia-xang-dau-tang-manh-nguoi-dan-doanh-nghiep-ganh-them-nhieu-noi-lo-20220214113038007.chn

Khánh Vy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên