MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng lập kỷ lục mới, soi tồn kho của doanh nghiệp xăng dầu cuối quý I

Giá xăng lập kỷ lục mới, soi tồn kho của doanh nghiệp xăng dầu cuối quý I

Giá xăng đã được điều chỉnh tăng trong 5 kỳ điều hành liên tiếp lên mức 31.250 đồng/lít, tăng 31,3% so với đầu năm. Khi giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu được kỳ vọng hưởng lợi từ tồn kho giá thấp và không phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Petrolimex và PV Oil ghi nhận giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý I gần gấp đôi đầu năm.

Petrolimex, PV Oil tăng mạnh giá trị hàng tồn kho

Theo báo cáo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới trong thời gian qua có nhiều biến động lớn. Nguồn cung cho thị trường (nhất là khu vực châu Âu) tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc cấm vận đối với các sản phẩm từ Nga, trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục ở mức thấp. Về nhu cầu, thị trường kỳ vọng vào việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu một số mặt hàng xăng, dầu tăng khi đang vào mùa lái xe Hè tại nhiều nước châu Âu, Mỹ. Song, do đang vào mùa Hè nên nhu cầu nhiên liệu phục vụ việc sưởi ấm giảm.

Các yếu tố trên đã đẩy giá mặt hàng xăng tăng cao. Trong kỳ điều hành giá ngày 11/5-23/5, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới đạt 141,4 USD/thùng, tăng 64% so với đầu năm. Dầu diesel đạt 142 USD/thùng, tăng 67%; dầu hỏa 137,9 USD/tấn, tăng 64,6%…

Với trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 có xu hướng giảm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp hồi phục trở lại khiến nhu cầu xăng dầu tăng.

Trước diễn biến giá thế giới và nhu cầu trong nước hồi phục, tại kỳ điều hành ngày 23/5, giá xăng vừa lập được điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp và kỷ lục mới. Cụ thể, giá xăng RON 95-V vùng 1 đạt 31.250 đồng/lít, tăng 31,3% so với đầu năm và tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu diesel đạt 26.350 đồng/lít, tăng 47% so với đầu năm và tăng 74,3% so với cùng kỳ năm trước; giá dầu hỏa ở mốc 24.400 đồng/lít, lần lượt tăng 48% và 76,6%.

Giá xăng lập kỷ lục mới, soi tồn kho của doanh nghiệp xăng dầu cuối quý I - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ Petrolimex

Trong bối cảnh giá ngày càng tăng, giá trị hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng tăng mạnh. Xét trên 5 đơn vị sản xuất và kinh doanh xăng dầu đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý I đạt 49.333 tỷ đồng, tăng 47% so với thời điểm đầu năm.

Petrolimex ( HoSE: PLX ) là doanh nghiệp có tồn kho lớn nhất 24.254 tỷ đồng, tăng 84,2% so với đầu năm; trong đó, hàng hóa tăng mạnh từ 9.481 tỷ đồng lên 19.392 tỷ đồng.

PV Oil ( UPCoM: OIL ) gấp đôi giá trị hàng tồn kho từ 2.578 tỷ đồng lên 5.158 tỷ đồng. Tương tự Petrolimex, tồn kho hàng hóa của PV Oil cũng đột biến từ 1.831 tỷ đồng lên 4.142 tỷ đồng.

Đối với đơn vị sản xuất sản phẩm xăng dầu như Lọc hóa dầu Bình Sơn ( UPCoM: BSR ), hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý đạt 11.947 tỷ đồng, tăng thêm 15,3% so với đầu năm. Hàng hóa tăng từ 10.376 tỷ đồng lên 13.890 tỷ đồng, thành phẩm tồn kho tăng từ 2.642 tỷ lên 4.661 tỷ đồng.

Theo nhiều công ty phân tích, diễn biến giá dầu tăng cao được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu cải thiện lợi nhuận nhờ tồn kho giá thấp cùng việc không phải trích lập giảm giá hàng tồn kho.

Giá dầu Brent sau khi đạt đỉnh ở mức 123,7 USD/thùng ngày 8/3 đã giảm về vùng 107,1 USD/thùng vào cuối tháng 3 (thời điểm chốt số lập BCTC quý I). Diễn biến này đã khiến BSR đã phải tăng mạnh dự phòng giảm giá hàng tồn kho từ 18,5 tỷ lên 1.943 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I. Petrolimex cũng dự phòng giảm giá hàng tồn kho 523 tỷ đồng, tăng so với mức 223 tỷ đồng đầu năm. PV Oil nâng mức dự phòng từ 1 tỷ lên 23,5 tỷ đồng.

Giá xăng lập kỷ lục mới, soi tồn kho của doanh nghiệp xăng dầu cuối quý I - Ảnh 2.

Nguồn: TradingEconomics

Doanh thu quý I tăng mạnh nhưng lợi nhuận phân hóa

Với nhu cầu phục hồi và giá xăng tăng mạnh, doanh thu hầu hết của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu đều tăng mạnh nhưng lợi nhuận khá phân hóa. Biên lợi nhuận đa phần sụt giảm.

Cụ thể, BSR báo cáo doanh thu tăng 65% đạt 34.783 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 2.324 tỷ đồng, tăng 23,7%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,7% về 7,5%.

Doanh thu PV OIL gấp đôi cùng kỳ năm trước lên 23.288 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,6% về 4,5% và lợi nhuận ròng chỉ còn tăng 54% lên 219 tỷ đồng.

Petrolimex báo cáo doanh thu quý I tăng 75% đạt 67.020 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 65% xuống 208 tỷ đồng.

Tập đoàn cho biết nhu cầu hồi phục sau khi hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương trong nước và thế giới từng bước trở lại nhịp độ bình thường. Song, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống dưới mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng sản xuất. Với trách nhiệm giữ vai trò chủ đạo trong khâu phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước, để đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung và đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, tập đoàn phải thay đổi kế hoạch nhập mua, tìm kiếm nguồn cung tức thời với mặt bằng giá cao từ nhà cung cấp khác làm biên lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh xăng dầu giảm.

Tương tự, NSH Petro ( HoSE: PSH ) báo cáo lợi nhuận ròng quý đầu năm giảm mạnh từ 43,6 tỷ đồng xuống 15,7 tỷ đồng, tương đương mức giảm 64% so với quý I/2021. Lợi nhuận Thalexim ( UPCoM: TLP ) giảm từ 82 tỷ về 63,4 tỷ đồng.

NSH Petro lý giải giá xăng dầu trên thế giới quý I liên tục tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nguyên vật liệu đầu vào. Đồng thời, việc gia tăng chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp khiến tổng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Theo Ngọc Điểm

Người Đồng Hành

Trở lên trên