Giá xăng tăng cao, doanh nghiệp vận tải không thể tăng giá cước
Qua đợt dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều gần như kiệt quệ. Doanh nghiệp nào may mắn, hoạt động cầm chừng thì doanh thu cũng giảm đến 80%. Vừa trải qua cơn bão sau đại dịch, giờ đây doanh nghiệp vận tải trong nước khó khăn lại chồng chất khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao.
- 26-06-2022Du lịch Việt phục hồi mạnh mẽ
- 26-06-20225,6 tỷ USD 'tìm đường' vào Đà Nẵng
- 26-06-2022Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt
Nếu như trước đây, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40% cơ cấu giá thành vận tải, thì hiện nay khi giá xăng vượt ngưỡng 33.000 đồng/lít, tỷ lệ này đã nâng lên khoảng gần 80%. Khi giá xăng dầu tăng như hiện nay, theo các doanh nghiệp vận tải cầm cự hòa được là may, chủ yếu để duy trì để giữ mối hàng làm ăn, hay lốt tuyến bến xe khách.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc công ty vận tải Phú Anh, cho biết, các doanh nghiệp trong nước đều khó khăn nên chúng tôi khó có thể tăng giá cước vận tải. "Tôi nghĩ các doanh nghiệp đều khó khăn chỉ mong Nhà nước phải hỗ trợ. Hàng ít xe ít đi, nhưng phí đường bộ 1 năm cũng đóng 18 triệu đồng/xe, cùng với đó là bảo hiểm các loại. Hiện vận tải trên đường phải đóng phí đường bộ rất nhiều, tôi nghĩ Nhà nước cần hỗ trợ cho danh nghiệp để vượt qua khó khăn".
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 12 lần giảm 3 lần, khiến các doanh nghiệp taxi đứng trước sự lựa chọn tăng giá cước, hoặc chấp nhận lỗ. Tăng giá cước hay không, tăng như thế nào cho phù hợp là vấn đề khiến doanh nghiệp đang phải đau đầu tính toán. Khó khăn nhất hiện nay là lái xe taxi chạy khoán, hay taxi công nghệ, khi giá xăng dầu cao, cùng với hàng loạt chi phí khác tăng theo, nhưng phía doanh nghiệp vẫn thu về trên 30%, nên lái xe càng chạy càng lỗ.
Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh vùng I, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết, nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho lái xe, không họ cũng đành nghỉ việc.
"Lộ trình cơ cấu giá cước chúng tôi đang tính toán để cho phù hợp. Hiện giá cước TP.HCM và Đà Nẵng đang cao hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/km. Chúng tôi đang cùng các doanh nghiệp điều chỉnh giá cho phù hợp các thành phố trung ương" - ông Hùng chia sẻ.
Ước tính, xăng dầu tuy chỉ chiếm 2 - 3% chi phí của toàn nền kinh tế nước ta, nhưng lại có tác động rất lớn tới mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế đặc biệt là đối với người thu nhập thấp. Khi xăng tăng giá, các loại hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sẽ điều chỉnh tăng theo càng làm tăng áp lực cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa sau đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất của việc tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ và nông nghiệp.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, nêu ý kiến: "Rất nhiều giải pháp đã được xem đến, các giải pháp đó tác động lên giá xăng dầu cũng chẳng được bao nhiêu. Đến lúc này Nhà nước cần có gói hỗ trợ xăng dầu thì mới hỗ trợ được giá xăng dầu và sản xuất mới ổn định".
Mới đây, nghị quyết của Bộ Tài giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu từ 500 - 1.000 đồng/lít là động thái tích cực nhằm hỗ trợ giá nhiên liệu trong nước trong giai đoạn khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức hiện nay, mà sẽ tiếp tục tăng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, quỹ bình ổn không thể gánh được quá lâu khi giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nêu một số giải pháp, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ thì các doanh nghiệp cũng cần có những nỗ lực, chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp vận tải và người lao động. "Vai trò của Nhà nước tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung với nguồn cung giá rẻ, tìm cách tiếp cận nguồn cung giá rẻ. Tiếp tục tăng nguồn cung trong nước trên cơ sở phục hồi công suất nhà máy Nghi Sơn và các đơn vị khác. Tiếp tục quản lý tốt thị trường, nếu tăng nữa xem xét giảm thêm một số khoản thu ngân sách"./.
VOV