MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng tăng, thực phẩm, rau xanh lũ lượt tăng giá theo

02-03-2022 - 14:28 PM | Thị trường

Giá xăng tăng, thực phẩm, rau xanh lũ lượt tăng giá theo

Tại các chợ truyền thống, hàng hóa vẫn rất dồi dào, nhưng giá cả các mặt hàng đều tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị đã nhận được đề nghị tăng giá hàng hóa từ các nhà cung cấp do chi phí vận chuyển và bao bì tăng.

Ngày 1/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương chính thức thông tin về việc điều hành giá xăng dầu, đây là lần tăng giá thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 5 trong năm 2022. "Hưởng ứng" giá xăng, giá cả của nhiều mặt hàng thực phẩm trên thị trường cũng tăng lên.

Cụ thể giá rau xanh đều tăng mạnh, thậm chí lên gấp 2-3 lần so với thời điểm Tết, như cải thảo từ 8.000 đồng lên 14.000 đồng, cải canh từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng, xà lách 12.000 đồng lên 30.000 đồng/kg, rau ngót 6.000 đồng lên 10.000 đồng, bắp cải từ 7.000 - 8.000 đồng lên 15.000 đồng, rau muống từ 10.000 đồng lên 25.000 đồng, bí xanh 12.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, nhiều loại rau cũng tăng 3.000-5.000/mớ...

Các mặt hàng thịt gia súc gia cầm, thủy hải sản cũng đều tăng lên như cá chép giòn từ 200.000-220.000 đồng/kg, cá lăng 130.000-150.000 đồng/kg, cá song 280.000-300.000 đồng/kg, thịt lợn 150.000-170.000 đồng/kg, thịt bò 250.000-370.000 đồng/kg, thịt gà 130.000 đồng-150.000 đồng/kg...

Hầu hết các loại rau xanh đã tăng mạnh hơn 1 tuần nay. Nguyên nhân là do giá xăng tăng nên cước vận chuyển cũng tăng theo, kèm theo thời tiết mưa rét kéo dài nên giá cả các mặt hàng rau xanh đều tăng mạnh, thậm chí lên gấp đôi, gấp ba. Đặc biệt, các loại rau như tía tô, sả, gừng còn không có vì nhiều người mua dùng để xông, đun uống nên rơi vào tình trạng "cháy hàng."

Giá thịt lợn hiện đang ở mức 130.000 đồng đến 185.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, sườn non từ 155.000 đồng/kg tăng lên 185.000 đồng/kg, ba rọi, nạc vai phổ biến ở mức 140.000 đồng đến 160.000 đồng/kg, nạc thăn từ 130.000 đồng/kg lên thành 150.000 đồng/kg,...

Bên cạnh đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vượt ngưỡng 26.000 đồng/lít đã tạo áp lực lớn lên chi phí đầu vào hoạt động kinh doanh nhất là khâu sản xuất, vận chuyển… Vì vậy, nhà cung cấp nhiều ngành hàng đề nghị tăng giá hàng hóa. 

Hệ thống các siêu thị lớn như AEON Mall, GO!, BigC, WinMart... đã cam kết giữ giá cả bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán. Đồng thời, đảm bảo cung ứng khối lượng hàng hóa đầy đủ mọi ngành hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu luôn đạt 100%. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tháng 2, giá xăng dầu đã tăng thêm 5,8%; còn giá thực phẩm, lương thực tăng thêm 0,35% so với tháng 1. Nói về những yếu tố làm tăng CPI 2 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê chỉ ra 4 yếu tố chính. 

Thứ nhất, giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước.Thứ hai, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân 2 tháng đầu năm, giá gas tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước. 

Thứ ba, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 2 tháng đầu năm tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào. Và cuối cùng là giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp, gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

https://cafef.vn/gia-xang-tang-thuc-pham-rau-xanh-lu-luot-tang-gia-theo-2022030211283215.chn

Huyền My

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên