Giá xăng tăng và dự báo còn tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp vận tải lần lượt tăng giá cước vận chuyển
Trong chia sẻ mới đây, Chuyên gia VinaCapital - ông Michael Kokalari - thậm chí dự báo giá xăng trong nước sẽ tiếp tục tăng. Ghi nhận, giá dầu toàn cầu tăng gần 40% sau căng thẳng Nga - Ukraine, có thời điểm tăng gần 70% so với đầu năm. Giá xăng bán lẻ của Việt Nam đã tăng gần 20% so với đầu năm và mặc dù có độ trễ, nhưng nhìn chung giá xăng ở Việt Nam diễn biến theo giá thế giới.
Chiều 11.3, liên bộ Công thương - Tài chính đã có quyết định điều hành giá xăng dầu. Xăng E5 RON92 tăng 2.908 đồng lên 28.985 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 2.990 đồng lên 29.824 đồng/lít... Đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 6 trong hơn 2 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành chiều qua là mức tăng mạnh nhất của giá mặt hàng này từ trước đến nay.
Trong đó, việc xăng dầu tăng giá liên tục đã và đang là bài toán thách thức cho nhiều doanh nghiệp vận tải. Sau thời gian chờ đợi và theo dõi, hiện nhiều đơn vị bắt đầu tăng giá cước để đảm bảo hoạt động. Ngược lại, một số bên vẫn chưa có kế hoạch, bởi để tăng giá cước không phải là việc dễ dàng và cần có thời gian đăng ký và thương lượng với khách hàng.
Ghi nhận, Grab đã thực hiện tăng giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Tp.HCM lên 29.000 VND, 7 chỗ lên 34.000 VND. Cả hai mức này tăng 2.000 VND so với hiện tại. Grab cũng tăng giá mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này lên 10.000 VND, tăng 500 VND. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000-2.500 VND cho 2km đầu tiên, khoảng 600 VND cho mỗi km sau đó.
Với dịch vụ GrabBike, tại Hà Nội, giá 2 km đầu tiên tăng 1.500 VND, lên 13.500 VND, mỗi km sau đó 4.300 VND (tăng 300 VND). Mức cước dịch vụ này tại Tp.HCM cũng tăng nhẹ lên 12.500 VND cho 2km đầu tiên và 4.300 VND cho mỗi km tiếp theo. Grab cũng đồng loạt áp dụng giá mới cho các dịch vụ khác như GrabExpress, GrabMart và GrabFood.
"Trong bối cảnh giá xăng đã nhiều lần được điều chỉnh tăng và giá tiêu dùng có nhiều biến động, chúng tôi hy vọng việc điều chỉnh giá cước sẽ bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để giúp họ trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn. Song song đó, Grab cũng đang triển khai một số chương trình thưởng để hỗ trợ đối tác có thêm cơ hội thu nhập.
Về phía người dùng, Grab cũng sẽ gia tăng các chương trình khuyến mại để người dùng sử dụng dịch vụ tiện lợi và tiết kiệm hơn. Ngoài ra, từng dịch vụ Grab đều đang có những mã ưu đãi riêng để người dùng thoải mái lựa chọn.
Đồng thời, Grab đã và sẽ tiếp tục theo dõi các biến động của thị trường để có thể thực hiện những chương trình phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích cho các đối tác tài xế và người dùng", đại diện Grab cho biết.
Tương tự, kể từ 0g ngày 14/3/2022, Gojek chính thức áp dụng mức giá cước mới đối với các dịch vụ GoRide (vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh) và GoFood (giao đồ ăn). Giá cước dịch vụ GoCar (vận chuyển hành khách bằng xe ô tô) và GoSend (giao hàng) không đổi.
Cụ thể, Gojek đã thực hiện tăng giá cước 2km đầu tiên của dịch vụ Goride tại Tp.HCM lên 11.000-13.000 VND. Cước cho 2-8km tiếp theo giá tăng lên 5.200-5.600 VND, cả hai mức này tăng 4.000 đồng so với hiện tại. Cuốc trên 8km tiếp theo cũng thay đổi lên 4.500-5.000 VND. Với dịch vụ GoFood, cước cho 2km đầu tiên điều chỉnh lên 16.000 VND… Gojek cũng tăng dịch vụ Goride và GoFood tại Hà Nội. Cụ thể:
"Giá cước của Gojek được tính toán trên cơ sở mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dùng, đồng thời đảm bảo cho các đối tác tài xế của Gojek nhận về khoản thu xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến của thị trường và có các phương án cân chỉnh để đưa ra giá cước hợp lý và mang tính cạnh tranh", đại diện nhấn mạnh.
Ngược lại, beGroup cho biết hiện đơn vị vẫn chưa tăng giá cước dịch vụ. Thời gian này để chia sẻ với tài xế khi xăng tăng giá, hãng này đang áp dụng các hình thức thưởng tiền cho tài xế. Số tiền thưởng cũng linh hoạt, tùy theo thuật toán mà mỗi tuần hoặc thời điểm sẽ tăng thêm hay giữ nguyên, tất cả đều có thông báo trước với tài xế.
Đại diện hãng taxi truyền thống, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc taxi Vinasun cho biết, trước mắt Công ty sẽ cân nhắc hỗ trợ anh em tài xế để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Còn việc tăng giá cước cần phải tính toán vì nó liên quan đến nhiều vấn đề, tránh tình trạng tăng giá sẽ dẫn đến việc tăng giá dây chuyền.
Ông Hỷ cũng nói thêm, trong tình thế hiện này doanh nghiệp cũng khó khăn vì dịch bệnh nên việc hỗ trợ tài xế cũng khó có thể kéo dài. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ xem Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tính toán giảm các thuế phí để hỗ trợ. Sau đó, phía Vinasun mới tính toán đến việc thay đổi giá cước hay không.
Trong chia sẻ mới đây, Chuyên gia VinaCapital - ông Michael Kokalari - thậm chí dự báo giá xăng trong nước sẽ tiếp tục tăng. Ghi nhận, giá dầu toàn cầu tăng gần 40% sau căng thẳng Nga - Ukraine, có thời điểm tăng gần 70% so với đầu năm. Giá xăng bán lẻ của Việt Nam đã tăng gần 20% so với đầu năm và mặc dù có độ trễ, nhưng nhìn chung giá xăng ở Việt Nam diễn biến theo giá thế giới.
Vị chuyên gia này dự báo, giá xăng tại Việt Nam có thể tăng thêm 30% trong những tháng tới. Khi đó, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,5 điểm phần trăm do giá dầu toàn cầu tăng vọt. Lý giải về điều này, ông Michael cho hay, giá xăng dầu chiếm 3,6% trong rổ tính CPI của Việt Nam, cùng với giả định việc tăng giá xăng sẽ tác động gián tiếp, đẩy mức lạm phát tăng.