MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng, thịt heo và ẩn số lạm phát

Diễn biến mới của nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh khiến cho khả năng hoàn thành mục tiêu lạm phát dưới 4% được Quốc hội thông qua trở nên khó đoán hơn.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
66 bài viết

Đầu tiên là việc giá thịt heo "sốt" từ cuối năm ngoái và kéo dài đến năm nay gây áp lực lớn đến lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2020 tăng 5,56% so với cùng kỳ, theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân bởi nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, đặc biệt là giá thịt heo tăng cao, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Việc hạ nhiệt giá thịt heo được coi là yếu tố "cốt tử" để kiểm soát CPI năm nay. Dù thịt heo ngoại được nhập về với mong muốn tạo đối trọng để giảm giá heo trong nước nhưng giá heo vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thậm chí ít ngày trước, heo hơi tại một số tỉnh còn tăng mạnh lên mức 85.000 - 90.000 đồng/kg.

Giá xăng dầu được coi là yếu tố cân bằng lại áp lực từ giá thịt heo. Giá dầu thế giới lao dốc xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua, dù có dấu hiệu tăng nhẹ trước thông tin nguồn cung có thể bị cắt giảm 15 triệu thùng/ngày. Báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng giá xăng dầu giảm làm giảm áp lực lên lạm phát của Việt Nam nhờ sự sụt giảm ở nhóm giao thông, chất đốt, vật liệu xây dựng...

Theo nhiều đánh giá, giá dầu giảm rất mạnh và giá thịt heo có khả năng giảm bởi quyết tâm của Chính phủ cùng với dịch tả heo châu Phi được khống chế, CPI cả năm sẽ tăng thấp. Chưa kể, với thực trạng nền kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ giảm... nên mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% có thể đạt được nếu giá thịt heo được kiểm soát tốt hơn. Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra dự báo lạm phát cả năm của Việt Nam chỉ ở mức 3,5%.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), vẫn bày tỏ quan ngại khi CPI tháng 3 tuy giảm 0,72% so với tháng 2 nhưng tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019 - con số cao nhất của lạm phát tính theo năm của tháng 3 trong vòng 6 năm qua. Nhìn vào rổ hàng hóa, lạm phát quý đầu năm tăng chủ yếu do giá thịt heo tăng tới 58,8% so với cùng kỳ, ông Độ cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho giá dầu thô giảm mạnh chưa đủ để kéo lạm phát xuống dưới 4% bởi giá thịt heo khó giảm được như mong đợi. "Nguồn cung thịt heo tại Trung Quốc chưa phục hồi sau thời kỳ cao điểm của dịch Covid-19 nên nhu cầu thịt xuất khẩu sang nước này vẫn cao. Giá thịt nhập khẩu không thật sự rẻ nếu tính cả thuế, chi phí khác khi đến tay người tiêu dùng và thịt đông lạnh chưa được ưa chuộng... Đó là những lý do khiến cơn sốt giá thịt heo ở Việt Nam chưa sớm hạ nhiệt được" - TS Nguyễn Đức Độ phân tích.

Một số dự báo đưa ra khả năng giá thịt heo giảm xuống 60.000 đồng/kg từ quý III. Khi đó, lạm phát trung bình trong nửa đầu năm nhiều khả năng ở khoảng 5%. Muốn lạm phát trung bình cả năm dưới 4%, lạm phát trung bình nửa cuối năm phải ở mức dưới 3%. Trong khi đó, nửa cuối năm lại là thời điểm chi tiêu nhiều. Chưa kể, dù giá thịt heo có giảm thì giá xăng dầu không chắc sẽ không tăng lại. "Xác suất lạm phát trung bình cả năm 2020 dưới 4% chỉ vào khoảng 50%" - ông Độ dự đoán.

Theo Phương Nhung

Người lao động

Trở lên trên