Giá xăng Việt Nam rất đắt đỏ so với thế giới
So với thu nhập bình quân hiện nay thì giá xăng của Việt Nam đang thuộc hàng đắt đỏ của thế giới.
- 20-07-2016Giá xăng giảm 665 đồng, về mốc trên 15.000 đồng/lít
- 19-07-2016Giá xăng giảm mạnh, về ngưỡng 15 ngàn/lít?
- 24-06-2016Đề xuất sửa quy định về điều hành giá xăng, dầu
Dựa trên bảng xếp hạng mới nhất về giá xăng toàn cầu của trang Bloomberg với các tiêu chí là giá bán lẻ xăng RON-95, giá xăng so với thu nhập bình quân và mức chi tiêu mua xăng hàng tháng thì theo tính toán, giá xăng của Việt Nam đang rất đắt so với thế giới.
Cụ thể, giá xăng RON-95 của Việt Nam hiện tại 16.000 đồng/lít cho vùng 1, tương đương với khoảng 0,72 USD, so với các nước như: Thái Lan (0,91 USD), Trung Quốc (0,97 USD), Mỹ (0,68 USD), Đức (1,145 USD) và Hongkong - quốc gia có giá xăng đắt nhất hiện nay (1,88 USD), thì mức giá của Việt Nam tương đối thấp.
Tuy nhiên khi tính theo GDP/người/ngày thì giá xăng của Việt Nam lại được xem là đắt nhất thế giới. Cụ thể, GDP của Việt Nam hiện là 1.879 nghìn tỉ đồng, trong khi dân số là 92,7 triệu người. Như vậy, thu nhập bình quân mỗi ngày của người dân là khoảng 111.000 đồng, và giá một lít xăng hiện nay tương ứng với khoảng 14,5% mức thu nhập này.
So với các nước như: Thái Lan (5,77%), Trung Quốc (4,45%), Singapore (0,91%)...giá xăng đang chiếm rất lớn trong thu nhập của người dân và được xem là rất đắt. So với thế giới, giá xăng của Việt Nam chỉ theo sau Ấn Độ với 21,19% và Pakistan với 14,98%. Hai quốc gia có giá xăng chiếm rất cao trong thu nhập, cao nhất nhì thế giới.
Một số chuyên gia nhận định rằng, giá xăng Việt Nam đã giảm theo chiều giảm của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, mức giảm vẫn không bằng kỳ vọng và không tương xứng do giá xăng dầu Việt Nam phải chịu nhiều loại thuế, phí.
Thực tế, trong cơ cấu giá xăng bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng, chi phí định mức 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, chiếm tới 50% giá xăng bán lẻ.
Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận còn nhiều bất hợp lý trong điều hành giá xăng dầu trong nước hiện nay. Theo các chuyên gia, những bất hợp lý liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc quản lý hoa hồng đại lý, trích lợi nhuận định mức hiện nay cần được sửa đổi để người dân không phải gánh nhiều sức ép.
Gần đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã có công văn gửi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc tính thuế nhập khẩu xăng dầu trong giá cơ sở.
Theo VINPA, hiện mức thuế nhập khẩu xăng dầu đang áp dụng cho quý 2/2016 để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng; 2,32% đối với dầu diesel và 0% đối với dầu mazut. Mức thuế này đưa ra dựa trên cách tính bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu từ các nguồn khác nhau, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.
VINPA cho rằng, cách áp mức thuế nhập khẩu xăng dầu này của Bộ Tài chính đã gây ra chênh lệch lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Đồng thời, việc Bộ Tài chính áp mức nhập khẩu bình quân gia quyền đã khiến mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng.
Ghi nhận những ý kiến bất bình từ dư luận thời gian qua, ngày 5.7, Bộ Tài chính đã chính thức có thông báo điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng sẽ được giảm từ mức 18,35% quý 2 xuống còn 15,74%. Tương tự, thuế đối với dầu diesel giảm từ 2,32% xuống còn 1,84%. Riêng dầu hỏa và dầu mazut, thuế suất là 0%.
Như vậy, so với thuế nhập khẩu của quý trước, các mức thuế nhập khẩu xăng dầu mới đã giảm mạnh từ 0,3% đến 3%. Mức giảm này được cho là sẽ có lợi nhiều cho người tiêu dùng.
Một thế giới