MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xe cũ giảm – thêm một đòn chí tử với Vinasun?

26-06-2017 - 09:06 AM | Doanh nghiệp

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Vinasun ngày một "teo tóp" trước sự vươn lên của Uber và Grab khiến công ty phải trông chờ vào thanh lý xe cũ để duy trì lợi nhuận. Nhưng giá xe cũ cũng đang ngày một giảm.

Tăng trưởng liên tục trong suốt 10 năm kể từ ngày lên sàn năm 2006, Vinasun (VNS) đã nhanh chóng trở thành một thế lực trong ngành kinh doanh taxi tại Tp.HCM. Thế nhưng, đứng trên đỉnh vinh quang, Vinasun cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã quên mất một điều rằng: Môi trường kinh doanh đang thay đổi quá nhanh và họ không còn là người chi phối thị trường.

Năm 2016, mặc dù doanh thu vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng lợi nhuận của Vinasun đã bắt đầu hụt hơi. Lợi nhuận năm 2016 sụt giảm gần 20%. Từ vài năm nay, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Vinasun đã giảm rất sâu và công ty phải trông chờ vào khoản thu từ thanh lý tài sản (bán xe cũ) để tránh cho lợi nhuận không bị giảm quá sâu.

Sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh của Vinasun có phần rất lớn do Uber và Grab đang dần chiếm lấy thị phần trong hoạt động vận tải taxi. Thế nhưng, thay vì nhận thức mối nguy và tìm giải pháp, Vinasun lại phản ứng bằng cách kiện Grab và Uber cạnh “thiếu lành mạnh” để đòi quyền lợi.

Đề xuất này không chỉ bị các cơ quan chức năng bỏ ngỏ trong bối cảnh nền kinh tế VN ngày càng hội nhập. Ngược lại, hành động này còn bị giới phân tích cho rằng, Vinasan đã tự mình phơi bày thêm điểm yếu kém của mình. Chỉ riêng trong quý I/2017, Vinasun cho biết đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi, con số này hẳn sẽ còn tăng lên.

Trước thực trạng hoạt động kinh doanh chính suy giảm mạnh hơn, trong kỳ Đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi tháng 5, một cổ đông đã tỏ ra lo ngại trước sự chậm trễ của ban điều hành trong việc đưa ra chính sách mới, thay đổi để tồn tại.


Lãi từ hoạt động kinh doanh chính năm 2017 của Vinasun dự kiến chỉ đạt 105 tỷ đồng - chỉ bằng 1/3 so với năm 2014

Lãi từ hoạt động kinh doanh chính năm 2017 của Vinasun dự kiến chỉ đạt 105 tỷ đồng - chỉ bằng 1/3 so với năm 2014

Tiến khó, lùi cũng chẳng xong

Dù chậm, nhưng Vinasun cũng đã đưa ra biện pháp ứng phó lớn đầu tiên đối với nguy cơ từ các doanh nghiệp taxi ứng dụng công nghệ như Grab và Uber. Theo đó, Vinasun sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ chia sẻ doanh thu sang mô hình cho thuê xe.

Tuy vậy, Vinasun có thể sẽ còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện mô hình kinh doanh này. Bởi lẽ, hiện nay Vinasun chưa có sự đồng bộ về công nghệ như Grab hay Uber. Vinasun cũng phải mang một bộ máy cồng kềnh từ mô hình kinh doanh cũ với đội ngũ nhân sự lên đến 17.760 người. Riêng bộ phận không trực tiếp kinh doanh đã ở con số gần 3.000 người. Chi phí quản lý do vậy cũng tăng liên tục trong nhiều năm qua, dù hoạt động kinh doanh đang sụt giảm.

Kế đến, việc mô chuyển đổi hình của Vinasun cũng đang gặp những thách thức không nhỏ. Bộ phận phân tích của CTCK HSC cho biết, hiện có 1.135 xe, tương đương 18% đội xe của Vinasun đã chuyển sang mô hình thuê xe. Vinasun kỳ vọng đến cuối tháng 6 sẽ tăng số lượng xe hoạt động theo mô hình cho thuê lên 3.000 xe; tương đương 47% tổng số lượng xe.

Tuy nhiên, HSC đánh giá khả năng đạt được kế hoạch của Vinasun là rất khó khăn do doanh thu trên mỗi xe thấp trong khi việc chuyển sang mô hình cho thuê xe phụ thuộc vào lựa chọn của lái xe chứ không phải công ty. Trong khi đó, theo chia sẻ của giới tài xế, với mức giá cho thuê khoán xe hiện nay 800.000 đồng mỗi ngày của Vinasun là không phù hợp, nhiều tài xế phải bỏ xe vì thu không đủ bù chi do phải tự trả tất cả các loại chi phí khác khi nhận xe.

Thanh lý xe cũ: Khoản lợi nhuận khó bền vững

Ở thời điểm hiện tại, Vinasun không chỉ chịu ảnh hưởng từ các doanh nghiệp taxi sử dụng công nghệ. Lợi nhuận từ hoạt động bán xe cũ, vốn đóng góp một phần lớn vào lợi nhuận cũng đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm khi mặt bằng giá xe đang có chiều hướng giảm.

Trao đổi với người viết, Chủ DN chuyên kinh doanh xe cũ lớn tại Tp. HCM cho biết, hiện tại các dòng xe cũ đang rất khó tiêu thụ. Ngay cả các hãng cũng đã hạn chế mua lại dòng xe cũ của chính mình khi đang tồn đọng một lượng hàng lớn. Trong khi đó, các dòng xe mới hiện cũng đang cạnh tranh khắc nghiệt do mặt bằng giá chung đang giảm, giá xe cũ cũng phải giảm theo đà giảm giá của xe mới.

Báo cáo của HSC cho biết, lợi nhuận từ bán xe cũ của Vinasun trong năm nay chỉ xấp xỉ cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 173 tỷ đồng. Nguyên nhân là do mặc dù số lượng xe bán tăng lên 113 chiếc, nhưng giá bán theo HSC sẽ giảm 10%. Tuy nhiên, theo ý kiến của Chủ kinh doanh xe cũ nói trên, khả năng giảm giá bán xe cũ của Vinasun có thể sẽ lớn hơn nhiều con số mà HSC ước tính.

Do đó, khoản thu bán xe trong năm nay và những năm tiếp theo của Vinasun có thể sẽ khó đạt được như những năm trước đây. Đồng nghĩa với Vinasun trước nguy cơ mất đi một nguồn thu lớn để bù đắp cho lợi nhuận kinh doanh taxi sụt giảm.

Trong khi đó, nợ vay của Vinasun thì ngày càng tăng. Khả năng thanh toán của Vinasun cũng đang có xu hướng giảm qua các năm. Rủi ro này Vinasun cho là không đáng kể do đặc thù kinh doanh luôn phải đầu tư mua xe mới để tăng doanh thu trong tương lai. Tuy nhiên, điều gì sẽ đến khi doanh thu thì tuột dốc mà nợ vay không giảm?

Năm nay, số đầu xe theo kế hoạch của Vinasun cũng sẽ lần đầu tiên sụt giảm. Dự kiến đội xe của Vinasun còn 6.261 chiếc, giảm 300 chiếc so với cuối năm 2016. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, Vinasun đang tính đến phương án thu hẹp hoạt động? Có thể nói, lời giải cho bài toán kinh doanh hiện quá khó cho ban điều hành Vinasun. Từ vị thế dẫn đầu, Vinasun chẳng mấy chốc đã lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Trong khi đó, cổ phiếu VNS của Vinasun trên sàn HOSE đang trải qua một đợt giảm giá có thể nói là tồi tệ nhất lịch sử, báo hiệu thời kỳ không mấy sáng sủa của đế chế taxi một thời.


Biến động giá cổ phiếu Vinasun trong 1 năm qua

Biến động giá cổ phiếu Vinasun trong 1 năm qua

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên