MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xe trong nước, cuộc đua đi về đâu?

13-08-2017 - 10:31 AM | Thị trường

Đã giảm tới đáy, giá xe khó giảm mạnh trong năm 2018...

Thị trường có dấu hiệu chững lại do tâm lý chờ đợi giá xe sẽ rẻ hơn khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về nước giảm xuống 0%. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng này, giới chuyên môn cho rằng, giá xe năm 2018 sẽ khó có cơ hội giảm thêm khi các hãng xe đã thực hiện giảm giá “tới đáy” trong năm 2017.

Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) có tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 40% từ các nước nội khối sẽ giảm về 0% kể từ 1/1/2018. Trước thông tin này, nhiều người tiêu dùng e dè chi tiêu và ngóng trông vào việc giá xe sẽ rẻ hơn khi thuế nhập khẩu giảm.

Thời điểm thuận lợi mua ôtô với giá rẻ

Càng gần thời điểm thuế nhập khẩu về 0%, hoạt động bán hàng của các hãng xe càng trở nên khó khăn hơn. Để kích cầu tiêu dùng, các chương trình giảm giá sốc đã được nhiều hãng xe triển khai ngay từ đầu năm 2017.

Có thể thấy, chưa bao giờ thị trường ôtô chứng kiến một cuộc chạy đua quyết liệt về giá như hiện nay. Trong những tháng gần đây, các hãng xe ôtô tại Việt Nam liên tục tung ra thị trường các chương trình giảm giá nhằm kích cầu người tiêu dùng.

Cuộc chiến giảm giá ngày càng cam go khi một loạt các thương hiệu xe hạng trung của các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản hay những mẫu xe lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu nguyên chiếc đã thực hiện giảm lên tới vài trăm triệu đồng... nhưng tình hình bán hàng vẫn không khả quan khi doanh số bán hàng tính đến hết tháng 7 đã giảm nhẹ ở mức 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Để hoàn thành kế hoạch kinh doanh và kích cầu chi tiêu cuối năm, thời gian gần đây, các hãng xe tiếp tục triển khai các chương trình giảm giá, với mức giảm từ 40-200 triệu đồng, tùy từng hãng xe và mẫu xe.

Cụ thể, Toyota Việt Nam vừa triển khai chương trình khuyến mãi giảm giá dành cho các khách hàng mua xe Vios, Corolla Altis hay Innova trong khoảng thời gian đến hết tháng 8/2017 sẽ nhận được mức ưu đãi từ 11 - 40 triệu đồng...

Ngoài ra, các mẫu xe khác của Toyota Việt Nam cũng được các đại lý điều chỉnh giảm mạnh, ví như: Camry 2.5Q có mức giảm 100 triệu đồng, bán ra thị trường với giá 1,283 tỷ đồng, hai phiên bản khác là Camry 2.0E và 2.5G có cùng mức giảm 90 triệu đồng. Một mẫu xe khác của Toyota là Land Cruiser VX cũng điều chỉnh giảm tới 130 triệu đồng...

Không riêng Toyota, nhiều mẫu xe của các hãng xe khác trên thị trường cũng được các đại lý điều chỉnh giảm giá “sốc”, như mẫu xe Odyssey của Honda được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản đã điều chỉnh giảm tới 200 triệu đồng, hay Honda CR-V cũng được điều chỉnh giảm giá từ 100- 170 triệu đồng.

Tương tự tại Mitsubishi, mẫu xe Pajero 3.0 cũng ghi nhận mức giảm giá lên tới 164 triệu đồng, hay Pajero Sport mới phiên bản động cơ xăng 4x2 AT cũng điều chỉnh giảm 106 triệu đồng...

Trong tháng 7/2017, mẫu xe Ford Everest của Ford Việt Nam cũng điều chỉnh giảm từ 60 - 75 triệu đồng/tùy phiên bản... Hay Chevrolet tiếp tục giảm giá mẫu xe bán tải Colorado lên 80 triệu đồng, trong khi các phiên bản còn lại giảm giá từ 20-50 triệu đồng.

Một trong những thương hiệu điều chỉnh giảm giá khá mạnh kể từ đầu năm tới nay là Mazda (thành viên của Trường Hải - Thaco) cũng điều chỉnh giảm giá trong tháng 7, với mức giảm từ 9 - 69 triệu đồng/tùy phiên bản.

Trong tháng 7/2017 cũng chứng kiến Suzuki tham gia vào cuộc đua giảm giá khi điều chỉnh giảm tới 90 triệu đồng cho mẫu xe Vitara, các mẫu xe còn lại của hãng cũng giảm từ 30 - 40 triệu đồng...

Đánh giá thị trường ôtô trong nước đang trải qua giai đoạn khó khăn do những tác động từ thị trường và tâm lý khách hàng chờ đợi thời điểm thuế nhập khẩu xe từ khu vực ASEAN về nước còn 0% từ tháng 1/2018, ông Bùi Kim Kha, Tổng giám đốc Thaco PC cho biết, các hãng xe đã phải nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy bán hàng khi đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh từ đầu năm đến nay.

“Với nhiều đợt giảm giá từ đầu năm đến nay, mức giá bán của Thaco hiện đã giảm tới đáy, tuy nhiên, để kích thích nhu cầu khách hàng, thời gian tới Thaco sẽ triển khai thêm nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng”, ông Kha chia sẻ.

Nhìn vào diễn biến của thị trường trong thời gian vừa qua, lãnh đạo một liên doanh ôtô trong nước chia sẻ, giá của một số mẫu xe ôtô hiện nay đang rất hấp dẫn và gần như đã tương đương với giá xe vào năm 2018.

Cùng chung quan điểm, ông Choi Duk Jun, Giám đốc điều hành xe du lịch Mercedes - Benz Việt Nam cũng cho biết, thuế nhập khẩu không chỉ là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến giá xe, mà còn có thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ và chính sách định giá của từng hãng...

Theo ông Choi Duk Jun, nếu khách hàng có nhu cầu có thể mua xe ngay từ lúc này.

Ông Xavier Coiffard, Tổng giám đốc Renault Việt Nam cho rằng: “Với mức giá hiện tại, các đơn vị nhập khẩu đã giảm lợi nhuận đến mức tối đa. Chính vì vậy sẽ không có chuyện giá còn có thể giảm hơn. Ngoài ra, năm 2018 mức phí trước bạ cho xe còn tăng lên, chi phí mua xe sẽ còn cao hơn rất nhiều. Tôi nghĩ thời gian này là thời điểm mua xe phù hợp nhất đối với khách hàng”.

Thu hẹp chênh lệch giá với khu vực

Thực tế cho thấy, mua xe ôtô giá rẻ với chất lượng tốt không chỉ là mong muốn của người tiêu dùng Việt Nam mà là mong muốn của người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp ôtô vẫn còn khá mới mẻ, các chính sách phát triển ngành chưa có được sự ổn định cần thiết. Kinh nghiệm từ các thị trường có ngành công nghiệp ôtô phát triển cho thấy, để phát triển công nghiệp ôtô, chính sách điều tiết ngành cần có sự ổn định và dài hạn để các nhà sản xuất yên tâm phát triển kinh doanh.

Chi phí lắp ráp, thuế phí giảm thì giá xe tất nhiên cũng sẽ giảm. Khi đó, thị trường ôtô không còn là cuộc chiến để tồn tại mà sẽ là cuộc cạnh tranh về giá, về chất lượng và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

Các thống kê cho thấy, chi phí sản xuất ôtô trong nước hiện cao hơn khu vực khoảng 20%. Nguyên nhân chính khiến chi phí sản xuất ở Việt Nam tăng cao được các nhà sản xuất chỉ ra là do thuế phí...

Do đó, để tăng sức cạnh tranh và phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, Bộ Công Thương vừa có báo cáo Tổ công tác về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô. Trong đó đề xuất 3 giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, là tạo dựng thị trường tiêu thụ đủ lớn để khuyến khích sử dụng xe trong nước.

Thứ hai, có giải pháp hỗ trợ rất mạnh đối với các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước, trong đó không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ôtô.

Thứ ba, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn lớn và những dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN...

Ấn tượng với giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra, nhất là các giải pháp liên quan đến thuế, ông Choi Duk Jun cho rằng, việc không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước sẽ dẫn đến giá bán xe có thể cạnh tranh hơn và kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô.

Về phía nhà nhập khẩu, ông Xavier Coiffard chỉ ra rằng, đây là một sự lựa chọn mang tính chiến lược nhưng sẽ khiến việc tiếp cận với xe nhập khẩu của khách hàng Việt trở nên khó khăn hơn. Bởi lẽ, những thương hiệu xe nhập khẩu như Renault - một thương hiệu tầm trung sẽ không thể có được định vị giá tốt trên thị trường so với xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Trước tình hình này, các nhà nhập khẩu phải học cách thích ứng với thị trường thông qua việc quản lý hiệu quả hơn và lựa chọn kỹ càng hơn những mẫu xe sẽ đưa về thị trường Việt Nam.

Để giảm các tác động xấu từ điều chỉnh chính sách tới các nhà nhập khẩu, ông Xavier Coiffard đề nghị, Chính phủ và các cơ quan chức năng nên có những biện pháp điều chỉnh thị trường từ từ, sao cho các nhà nhập khẩu có thể thích ứng được với những biến động của thị trường.

Theo Thanh Hải

Vneconomy

Trở lên trên