MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xuất khẩu lao dốc, một mặt hàng của Việt Nam liên tục được Thái Lan và Úc săn đón, 'bỏ túi' hơn 1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm

11-10-2023 - 08:01 AM | Thị trường

Giá xuất khẩu lao dốc, một mặt hàng của Việt Nam liên tục được Thái Lan và Úc săn đón, 'bỏ túi' hơn 1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm

Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, dầu thô là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 8/2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt 323.476 tấn, tương đương 229 triệu USD, tăng mạnh 45,2% về lượng và tăng 98,5% về giá trị so với tháng 7/2023. Tháng 8/2023 là tháng có mức tăng trưởng cao nhất cả về lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu dầu thô kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô thu về gần 1,3 tỷ USD với 1,95 triệu tấn, tăng 16,6% về lượng và giảm 11,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu cũng giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm, bình quân đạt 664 USD/tấn, giảm 25,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu lao dốc, một mặt hàng của Việt Nam liên tục được Thái Lan và Úc săn đón, 'bỏ túi' hơn 1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Xét về thị trường, Thái Lan là thị trường lớn nhất nhập khẩu dầu thô của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu dầu thô sang Thái Lan trong tháng 8 đạt 118.831 tấn với kim ngạch hơn 82,1 triệu USD, tăng 44,5% về lượng và tăng 22,8% so với tháng 8/2022. Tháng 8 cũng là tháng ghi nhận sản lượng xuất khẩu sang Thái Lan cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm đạt 817.210 tấn với kim ngạch hơn 534 triệu USD, tăng 37,4% về lượng và tăng 1,69% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 41,8% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Giá xuất khẩu dầu thô sang Thái Lan cũng giảm mạnh, đạt 653 USD/tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng trữ lượng dầu ở Thái Lan chưa bằng 1 năm tiêu thụ dầu, khiến Thái Lan phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu để duy trì mức tiêu thụ.

Xếp thứ 2 là thị trường Úc. Xuất khẩu dầu thô sang quốc gia này đạt 112.848 tấn, thu về hơn 81,4 triệu USD, tăng 188% về lượng và tăng 135,5% về trị giá so với tháng 8/2022. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Úc thu về hơn 409,4 triệu USD với 601.181 tấn, tăng 116,1% về lượng và tăng 58% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng của Úc chiếm 30,8% sản lượng trong cơ cấu xuất khẩu dầu thô của Việt Nam.

Đặc tính của dầu Úc có xu hướng phù hợp hơn với thị trường xuất khẩu. Do đó, Úc nhập khẩu một lượng dầu thô đáng kể cho các nhà máy lọc dầu của mình.

Giá xuất khẩu lao dốc, một mặt hàng của Việt Nam liên tục được Thái Lan và Úc săn đón, 'bỏ túi' hơn 1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Sau Thái Lan và Úc, Việt Nam xuất khẩu dầu thô sang 4 thị trường lớn là Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc với tỷ trọng lần lượt là 11%; 2,01%, 2% và 1,9%.

Việt Nam có nguồn dầu mỏ với trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng, được xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu dầu thô trong 8 tháng đầu năm đạt 7,45 triệu tấn, tương đương 4,5 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam nhập khẩu dầu thô lớn hơn nhiều so với lượng dầu thô xuất khẩu đi. Lượng dầu thô nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hai nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn và Dung Quất.

Giá dầu thô thế giới đã quay trở lại mức cao nhất trong vòng gần 10 tháng qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, giá dầu thô WTI tăng 0,98% lên 87,54 USD/thùng, ghi nhận chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp. Giá dầu thô Brent cũng kéo dài đà tăng sang phiên thứ 7 liên tiếp, chốt phiên ở mức 90,6 USD/thùng. Đà tăng của giá dầu trong giai đoạn từ cuối tháng 6 tới nay cũng là đợt tăng mạnh nhất kể từ thời điểm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra.

Nguy cơ giá dầu tiếp tục leo thang sẽ tăng áp lực lạm phát, buộc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới phải duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt.

Điều này cũng sẽ gây sức ép lên tỷ giá VND trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tỷ giá tăng sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu.

Với quốc gia nhập siêu xăng dầu như Việt Nam, hoạt động điều hành giá sẽ chịu sức ép kép từ giá dầu thô thế giới và tỷ giá.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên