Giấc mơ Sài Gòn
Chưa bao giờ người dân TP.HCM được sống trong cảm giác tin tưởng về một thành phố thịnh vượng trong tương lai như hiện nay. Nó khiến cho tất cả đều phải chuyển động để hiện thực hóa “Giấc mơ Sài Gòn”, hướng đến xây dựng TP.HCM thành nơi đáng sống.
- 21-04-2016TPHCM muốn lấy lại vị trí số 1, chỉ cần tạo môi trường cho dân yên tâm làm ăn đâu cần gì đao to búa lớn!
- 31-03-2016Bí thư Thăng: Mong hợp tác với Microsoft để lấy lại vị trí số 1
- 29-03-2016Bí thư Đinh La Thăng: 50 năm trước Lý Quang Diệu mơ được như Sài Gòn, nên không ai cấm Sài Gòn khát vọng trở lại vị trí số 1
- 27-03-2016Ông Đinh La Thăng: TP HCM phải giành lại vị trí số 1!
TP.HCM không thể không đứng số 1, bởi nơi này đang có trong mình những điều kiện rất thuận lợi về dân số, khoa học kỹ thuật...
Niềm hy vọng từ nhân sự cấp cao
Với vị trí địa lý đắc địa, từ rất sớm Sài Gòn đã trở thành trung tâm thương mại sầm uất nhất và được coi là thủ phủ của bán đảo Đông Dương. Chính vì sớm được giao lưu với nhiều nền văn hóa mà ngay từ đầu thế kỷ 20, nơi này đã trở thành một trung tâm công nghiệp, khoa học kỹ thuật và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.
Tuy nhiên, qua những thăng trầm của lịch sử Sài Gòn - TP.HCM đã có rất nhiều đổi khác. Hiện nay dù vẫn là nơi đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước và có được những phát triển vượt bậc về nhiều mặt nhưng nếu xét trên bình diện khu vực thì rõ ràng TP.HCM đã tụt hậu rất nhiều so với những thành phố có nhiều điểm tương đương như Singapore, Bangkok hay Jakarta.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, người dân TP.HCM đang mong mỏi một ngày nào đó nơi này sẽ lấy lại được vị thế của mình để trở thành một trung tâm kinh tế - tài chính – khoa học kỹ thuật – nguồn nhân lực với sức ảnh hưởng không chỉ gói gọn tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như hiện nay mà xa hơn là phải bao trùm lên cả khu vực…
Tháng 12/2015, ông Nguyễn Thành Phong - một Tiến sĩ Kinh tế và giảng viên đại học được bầu làm người lãnh đạo cao nhất của chính quyền thành phố. Ngay trong bài phát biểu nhậm chức sau đó ông đã dành một đoạn khá dài để nói về vấn đề kinh tế, điều đó phần nào cho thấy mối quan tâm chính của ông trong nhiệm kỳ 5 năm tới đây. Trong phần này ông đã khẳng định: “Sẽ cùng với tập thể UBND thành phố tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm để thành phố phát triển nhanh và bền vững. Đó là tái cấu trúc nền kinh tế thành phố, nâng cao chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng lực cạnh tranh, gia tăng tỷ trọng của các ngành có tiềm năng phát triển và lợi thế cạnh tranh có giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ”.
Tới tháng 2/2016, ông Đinh La Thăng – nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, người nổi tiếng với cách làm việc quyết đoán, mạnh mẽ cũng được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy – người đứng đầu Đảng bộ thành phố, nơi đưa ra các định hướng phát triển trong những năm tiếp theo. Ngay trong ngày nhận nhiệm vụ mới, ông Thăng đã tuyên bố: “Kể từ giờ phút này, toàn bộ tâm trí của tôi sẽ dành cho thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại”.
Có thể nói, ngay từ những phát ngôn đầu tiên đội ngũ lãnh đạo mới của thành phố đã tạo ra được hy vọng cho người dân nơi này.
Không chấp nhận tụt hậu như một định mệnh
Ông Đinh La Thăng là người có những phát biểu rất thẳng thắn, không rườm rà, chung chung kiểu nghị quyết mà đi thẳng vào những vấn đề người dân quan tâm. Và chính trong những phát biểu đó, ông Thăng đã nhiều lần cho thấy quyết tâm biến TP.HCM trở thành một trung tâm của cả khu vực Đông Nam Á. “Tôi mạnh mẽ kêu gọi nhân dân toàn thành phố. không chấp nhận sự thật đó như một định mệnh! Cha anh chúng ta không sợ hy sinh để viết nên huyền thoại về chiến tranh giải phóng cũng với tinh thần không chấp nhận sự đô hộ của ngoại bang như một định mệnh... Hôm nay chúng ta ở đây để nói với toàn thể đồng bào rằng chúng ta sẽ cùng phấn đấu hết mình để trước hết TP.HCM tiếp tục vững chắc ở vị trí đầu tàu, tiếp tục dẫn dắt sự phát triển cho cả khu vực phía Nam, tiếp tục là động lực cho những mục tiêu chiến lược của đất nước, tiếp tục là niềm tin, điểm tựa tinh thần cho công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Thăng nói trong Hội nghị tổng kết phong trào Thi đua yêu nước vào ngày 14/4 vừa qua.
Trước đó, trong Hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố vào đầu tháng 4, ông Thăng cũng nhấn mạnh đến việc TP.HCM không thể không đứng số 1, bởi nơi này đang có trong mình những điều kiện rất thuận lợi về dân số, khoa học kỹ thuật. Để làm được điều này, theo ông Thăng cần “tạo ra được ý chí quật cường, sự đoàn kết, khí thế hừng hực như thời chiến, có như vậy mới “dẹp bằng được gian khó, đưa thành phố phát triển nhanh, mạnh hơn”.
Muốn có được tinh thần, khí thế đó, ông Thăng cho rằng thành phố phải xây dựng được một cơ chế đột phá, phải dẹp được xin – cho, đặc biệt là việc được phân cấp, ủy quyền từ Trung ương để TP tăng tính chủ động, và tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Ông nhấn mạnh rằng thành phố phải kiên trì theo đuổi và kiến nghị bằng được mô hình “Chính quyền đô thị” vì một nơi đầu tàu không thể “mặc chung chiếc áo” với các tỉnh miền núi, đồng bằng khác. Thậm chí, ông yêu cầu TP.HCM phải trở thành một đặc khu như Thượng Hải với những cơ chế đặc biệt để phát huy tiềm năng.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Phong cũng cho thấy một thái độ quyết liệt không kém khi nhiều lần bày tỏ quan điểm gay gắt trước cách xử lý công việc của một số lãnh đạo quận huyện, sở ngành. “Còn sự trì trệ ở bộ phận nào mà các doanh nghiệp thấy bức xúc thì hãy gọi cho tôi. Không thể chấp nhận một cơ quan đơn vị nào mà sự trì trệ làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, đầu tư của thành phố”, ông Phong nói trong cuộc họp với các lãnh đạo sở ngành, quận huyện vào ngày 18/2.
Lãnh đạo không nói chơi
Những tuyên bố này đã được ông Thăng và ông Phong nhanh chóng biến thành hành động trên thực tế. Dù mới chỉ nhậm chức trong thời gian không lâu nhưng cách xử lý rốt ráo những sự việc nổi cộm cho thấy lãnh đạo thành phố “không nói chơi”. Trên thực tế, sau chỉ đạo Công an thành phố phải kéo giảm tội phạm trong vòng 3 tháng, nơi này đã tăng quân số để thực hiện các cuộc tuần tra.
Trước đó, trong cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài vào ngày 16/3, ông Thăng cũng đã khẳng khái nói rằng: “Lãnh đạo thành phố khẳng định niềm tin với các doanh nghiệp, dù đó là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, tư nhân hay Nhà nước thì chúng tôi vẫn luôn trân trọng và đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp. Khi làm các yêu cầu của doanh nghiệp không phải là chúng ta đang giúp họ, mà thực tế là chúng ta đang phục vụ họ, để họ làm ăn kinh doanh có hiệu quả, đóng góp cho thành phố”.
Tất cả những điều trên đã cho thấy rằng những lãnh đạo mới của thành phố đang cố gắng chuyển tải một thông điệp đầy mạnh mẽ không chỉ đến người dân mà còn cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Có thể nói trong nhiều năm trở lại đây, chưa khi nào người dân thành phố tạo được sự đồng nhất về khát vọng như lúc này, và điều quan trọng là khát vọng đó không chỉ đến từ lời kêu gọi của những người lãnh đạo mà còn đến từ sự thức tỉnh về trách nhiệm, niềm say mê trong tự thân mỗi con người.
Chính vì vậy nó sẽ là động lực – một động lực thật sự, một động lực vững bền để tạo nên một xã hội thống nhất cùng bắt tay vào hiện thực hóa “”. Đó không phải là tham vọng viển vông, càng không phải “mơ ước” mà nó chính là tiền đề, là nền tảng để Việt Nam vươn xa và cao hơn ra thế giới.