Giấc mơ thống trị mạng 5G toàn cầu của Huawei bị “bức tử”?
Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đã chặn đứng con đường tiếp cận của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) với các công nghệ quan trọng của Mỹ ở mức độ lớn hơn bao giờ hết.
- 24-06-2020Top 50 công ty sáng tạo nhất thế giới: Apple tiếp tục giữ "ngôi vương", Huawei nhảy vọt 42 bậc
- 18-06-2020Đánh bại Samsung, "Ánh sao băng" Huawei vẫn kịp một lần chói lòa trước khi vụt tắt
- 15-06-2020Vì sao Trung Quốc chưa đáp trả động thái mới nhất của Mỹ nhắm vào Huawei
Các quốc gia và nhà khai thác mạng di động trên khắp thế giới đang hoài nghi liệu Huawei có thể thực hiện những cam kết về mạng 5G của mình hay không. Trong khi đó, làn sóng chống Trung Quốc gia tăng ở Ấn Độ và các nơi khác bồi thêm căng thẳng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hồi tháng trước rằng tình trạng quay lưng với Huawei ngày càng tăng khi người dân trên khắp thế giới đã nhận thức được nguy cơ giám sát từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
Bà Carisa Nietsche, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định những tuyên bố trên là "đòn phủ đầu". Các nước châu Âu có nền kinh tế lớn như Anh, Pháp và Đức vẫn chưa công bố lệnh cấm hoàn toàn đối với Huawei. Nhưng bà Nietsche cho rằng sự thay đổi đang bắt đầu ở châu Âu.
Hồi năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cấm các công ty Mỹ bán công nghệ và vật tư mà không được cấp phép cho hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc có trụ sở tại Thâm Quyến này. Lệnh trừng phạt gần đây nhất của Mỹ được công bố vào tháng 5 nặng nề hơn so với lệnh cấm năm ngoái, áp dụng đối với bất kỳ công ty nào trên toàn cầu đang sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất chất bán dẫn.
Lệnh cấm mới hạn chế các công ty như TSMC, công ty có trụ sở ở Đài Loan, xuất khẩu chip máy tính và các linh kiện khác cho Huawei. Không có những con chip này, Huawei không thể xây dựng các trạm 5G và các thiết bị khác, theo các nhà phân tích tại Công ty môi giới Jefferies.
Nhà phân tích Edison Lee tại Jefferies cho hay: "Dựa trên quy tắc xuất khẩu trực tiếp hiện tại mà Mỹ đặt ra, việc kinh doanh thiết bị 5G của Huawei đang gặp nguy hiểm. Nếu luật không thay đổi và căng thẳng Mỹ-Trung không xuống thang, tôi nghĩ có nguy cơ lớn Huawei sẽ ngừng cung cấp thiết bị 5G từ đầu năm tới".
Huawei đối mặt nguy cơ ngừng cung cấp thiết bị 5G từ đầu năm tới. Ảnh: NY Times
Khi được hỏi về nhận định này, phát ngôn viên Huawei Evita Cao cho biết hãng tiếp tục nhận được hỗ trợ từ khách hàng của mình nhưng không nói chi tiết.
Nhà phân tích Nietsche cho hay hiện đã có một số tín hiệu đến từ Đức và Anh rằng họ đang xem xét loại Huawei ra khỏi danh sách nhà cung cấp thiết bị cho mạng 5G.
Ông Chaitanya Giri, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ, cho biết New Delhi nhiều lần cân nhắc việc có nên đưa thiết bị của Huawei vào mạng 5G ở Ấn Độ hay không.
Trong khi đó, ông Guillaume Poupard, giám đốc Cơ quan an ninh mạng của Pháp (ANSSI), tuyên bố sẽ không có lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng các thiết bị của tập đoàn Huawei khi thiết lập mạng viễn thông 5G của nước này. Tuy nhiên, quan chức này nói thêm đối với các nhà khai thác hiện không sử dụng các thiết bị Huawei, họ được khuyến khích sẽ không sử dụng chúng trong tương lai.
Song song đó, ông Poupard nhấn mạnh quyết định được đưa ra nhằm bảo vệ nền độc lập của Pháp và đây không phải là hành động thù địch với Trung Quốc.
Người Lao động