MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải bài toán cung – cầu, “hạ nhiệt” giá thép

17-05-2021 - 16:19 PM | Thị trường

Lãnh đạo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, sẽ ưu tiên các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá thép bất hợp lý.

Thời gian qua, giá thép biến động mạnh (tăng 40 - 50% so với năm ngoái) và tiếp tục tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. Tháng 1/2021, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán khoảng từ 300-900 đồng/kg tùy theo chủng loại và nhà sản xuất. Trong tháng 4/2021, mức tăng khoảng 1.600-1.700 đồng/kg tùy từng chủng loại. Hiện nay, giá bán tại các nhà máy sản xuất thép ở mức khoảng từ 16.200-17.800 đồng/kg tùy chủng loại và nhà sản xuất (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế VAT, chiết khấu bán hàng).

Theo ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá thép xây dựng tăng trong giai đoạn qua là do giá phôi thép trên thị trường thế giới biến động tăng. Do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh khiến cho giá nguyên liệu thô sản xuất thép như thép phế, phôi thép từ khoảng giữa tháng 10/2020 đến nay liên tục tăng. Bên cạnh đó, mất cân đối về cung - cầu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giá thép biến động bất thường nêu trên.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết, theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành thì chỉ có mặt hàng thép xây dựng, xi măng cát, đá không nằm trong danh mục các mặt hàng nhà nước quản lý giá.

Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã luôn cập nhật diễn biến giá thép xây dựng và thông tin kịp thời tại báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong các kịch bản điều hành giá quý 1/2021 và các tháng còn lại của năm 2021 đã tính đến các diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá thép.

Giá thép xây dựng trong thời gian qua tăng do biến động về cung - cầu tiêu thụ; đồng thời giá nguyên liệu thô sản xuất thép như thép phế, phôi thép tăng cao. Vì vậy, Cục Quản lý giá cho biết, sẽ ưu tiên các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý.

Đặc biệt, để góp phần giải quyết vấn đề trong dài hạn, đại diện Cục Quản lý giá cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giá cho phù hợp với quan điểm, nguyên tắc và tính thống nhất, đồng bộ trong xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế thị trường, phát triển kinh tế xanh và bền vững. Qua đó, hướng đến mục tiêu khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế phát sinh trong thời gian qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.

Về chính sách thuế, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam có thể xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước.

Tuy vậy, ông Tuấn cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc đặt vấn đề giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng để vừa góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững, bình ổn thị trường thép trong nước, bảo đảm tuân thủ đúng các nguyên tắc được quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016. Quan trọng là cần phải có các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước./.

Theo Diệp Diệp

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên