Giải bài toán gạo thừa, ngô thiếu
Nghịch lý thừa gạo, thiếu ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi đang diễn ra ở Việt Nam - một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
- 02-09-2016Sản xuất gạo chất lượng cao để xuất khẩu
- 01-09-2016Giá gạo sẽ bình ổn trở lại sau những ảnh hưởng từ chương trình trợ giá của Thái Lan
- 27-08-2016Việt Nam đấu thầu cung ứng 250.000 tấn gạo cho Philippines
Trao đổi với PV, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Chính phủ đã có Quyết định 915 bắt đầu từ vụ hè thu năm 2016, cho phép tất cả các vùng trên địa bàn của cả nước được chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô được hỗ trợ với mức là 3 triệu đồng/ha. Các địa phương phải quy hoạch vùng chuyển đổi thì mới được hỗ trợ từ Chính phủ. Trong quy hoạch đó, phải chỉ ra những vùng, diện tích trồng lúa kém hiệu quả, bấp bênh, Chính phủ sẽ hỗ trợ những vùng đó.
Được biết, Việt Nam đang xảy ra tình trạng gạo thừa ngô thiếu. Vậy ngành nông nghiệp có biện pháp nào để cân bằng, phát huy lợi thế của từng cây trồng này không?
Hiện nay, chúng ta hằng năm sản xuất ra trên dưới 45 triệu tấn lương thực, cân đối cho cả đất nước về an ninh lương thực vẫn thừa trên 7 triệu tấn. Ngoài ra, dư địa để xuất khẩu gạo không quá nhiều và dần dần các nước khác người ta cũng phát triển cây lương thực lên, tự trang trải được. Vì vậy phải giảm lượng lúa gạo, chuyển sang làm lúa gạo chất lượng cao hơn. Giá trị cao thì vẫn bù đắp được về sản lượng, giảm sức ép về xuất khẩu. Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta có khoảng 1,2 triệu ha ngô. Tuy nhiên, hằng năm chúng ta vẫn phải nhập rất nhiều ngô. Nguyên nhân bởi giá thành ngô của chúng ta làm ra cao hơn giá thành nhập vào khoảng 1.000 đồng/kg. Bài toán đặt ra làm thế nào chuyển đất lúa sang làm ngô, thứ hai là giảm giá thành để chúng ta giảm sức ép nhập khẩu ngô.
Trước đây đã có chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất lúa 2 triệu đồng/ha nhưng chỉ áp dụng ở ĐBSCL, nay chúng ta mở rộng ra cả nước với mức cao hơn là 3 triệu đồng/ha. Điều này sẽ giúp cho người dân phát huy lợi thế về đất đai như thế nào, thưa ông?
Ông Ma Quang Trung
Nếu chúng ta thực hiện hiệu quả Quyết định 915 của Chính phủ thì đây là một chính sách rất tốt cho người sản xuất. Thứ nhất, giải quyết được bài toán mà chúng ta vẫn nói là giảm lương thực xuất khẩu đang dư thừa hiện nay. Thứ hai, nếu làm tốt việc giảm giá thành thì sẽ hạn chế tình trạng nhập siêu rất lớn ngô từ nước ngoài. Vấn đề thứ ba, việc chuyển đổi linh hoạt như vậy sẽ đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân khi thực hiện chuyển đổi, tăng vụ.
Năm nay, do hạn mặn nên ĐBSCL mất 713.000 tấn lúa, dự báo tới cuối năm nay Việt Nam mất khoảng 900.000 tấn lúa do biến đổi khí hậu. Do vậy, chỉ có cách tăng diện tích ngô lên để bù lại diện tích lúa bị mất đi. Nếu tăng được 100.000 ha ngô thì sẽ có 300.000 - 400.000 tấn lương thực, giảm tỉ lệ lương thực bị thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Ông đánh giá như thế nào về chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác kết hợp với nuôi trồng thủy sản? Sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng lúa?
Có thể nói đây là một giải pháp để chúng ta thực hiện tái cơ cấu trong thời điểm hiện nay. Trồng lúa là thói quen với nông dân, nhưng thực ra thì thu nhập, lãi từ trồng lúa không cao. Trong khi đó, mỗi năm hiện nay Việt Nam nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn ngô để sản xuất các loại thức ăn gia súc. Do vậy, việc chuyển đổi sang cây trồng khác để có thu nhập cao hơn là một hướng đi đúng. Đây là một cơ chế của Chính phủ cho phép để sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Khi mà chúng ta có điều kiện chuyển đất trồng lúa sang trồng cây màu ngắn ngày sau lại chuyển sang đất trồng lúa, chúng ta sẽ rất linh hoạt. Còn nếu chuyển sang trồng cây dài ngày hoặc mục đích khác thì mất đất trồng lúa.
Cảm ơn ông.
Mặt bằng chung, năng suất ngô Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ khoảng 4,8 tấn/ha, so với năng suất tại Mỹ khoảng 10 - 12 tấn/ha. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, để giúp chuyển đổi ngô bền vững, thành công cần áp dụng các giải pháp về giống. Hiện nay đã có nhiều giống ngô lai, biến đổi gen đạt được năng suất cao đã được ứng dụng thành công ở Việt Nam đến từ các doanh nghiệp nước ngoài như Dekalb, Syngenta…
Các giống ngô nhập ngoại thế hệ mới có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, phù hợp các vùng chịu áp lực về sâu bệnh, cỏ dại và thiếu nước. Thực tế, năng suất tại các mô hình chuyển đổi ngô từ các giống ngô lai, ngô chuyển gen được Bộ NN&PTNT cấp phép đều mang lại năng suất cao: 6,1 - 7,2 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng 20 - 30% (tương đương 5 - 10 triệu đồng/ha).
Tiền phong