MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải bài toán nhân lực: “Chăm từ gốc” thay vì “hái phần ngọn”?

Sự vào cuộc ngay từ sớm của doanh nghiệp cũng như trường đại học được cho là lời giải cho bài toán nhân sự hiện nay.

Tại Toạ đàm “Ngành nghề mới ở Việt Nam, nhân lực sẽ đón đầu hay chờ đợi?”, cho biết quan điểm về bài toán nhân lực hiện nay, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng trước đây doanh nghiệp thường thụ động ngồi chờ ứng viên đến nộp hồ sơ ứng tuyển. Các trường đại học cũng thụ động chờ sinh viên đến thi tuyển. 

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, đây là cách làm “hái phần ngọn” và khiến doanh nghiệp, trường học không chủ động được nguồn nhân lực của mình. Nếu muốn không bị thiếu nhân sự, thiếu sinh viên thì giải pháp tốt nhất chính là “chăm từ gốc đến ngọn”.

Việc “chăm từ gốc” cũng được ông Khánh lý giải từ thực trạng định hướng nghề nghiệp hiện nay. Bởi rất nhiều học sinh cấp 3 vẫn chưa biết chọn ngành nghề như thế nào là phù hợp với mình mà chạy theo ngành “hot”, lương cao. Bên cạnh đó là sự tác động của phụ huynh khi ai cũng muốn con học đại học ra dễ tìm được việc làm.

“Tôi đã nhận nhiều lá đơn xin chuyển ngành của các em sinh viên năm 2, năm 3 vì nhận ra bản thân không phù hợp với ngành nghề đang theo học. Đây thực sự là rất đáng tiếc và lãng phí. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp rất quan trọng. Không chỉ ở cấp 3 mà tôi nghĩ cần phải sớm hơn, từ cấp 1, cấp 2”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho biết.

Giải bài toán nhân lực: “Chăm từ gốc” thay vì “hái phần ngọn”? - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa

Đối với doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cũng cho rằng cần “chăm từ gốc”. Hiện tại, không ít ngành “tìm mỏi mắt không thấy nhân sự”, hoặc nhiều công ty rất khó để tìm được ứng viên đáp ứng đủ yêu cầu công việc. Vậy thì tại sao các doanh nghiệp không chủ động kết nối với các cơ sở đào tạo để chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực? Đồng thời các cơ sở đào tạo cũng cần kết nối với doanh nghiệp để chuẩn bị đầu ra cho sinh viên của mình.

Cùng quan điểm với  PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, ông Hoàng Hưng Hải - Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam cho biết, từ góc độ doanh nghiệp, không chỉ Qualcomm mà hầu như các doanh nghiệp khác đều phải có kế hoạch dài hơi về nhân sự, bám sát và điều chỉnh theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

“Từ nhiều năm trở lại đây, chúng tôi đã có sự đồng hành với các trường qua những mô hình khác nhau như tài trợ phòng Lab, nhận sinh viên thực tập hoặc tư vấn về kiến thức mới cho chương trình đào tạo. Qua đó, có sự tiếp cận hai chiều giữa doanh nghiệp với các nhân sự trẻ tương lai”, ông Hải cho biết.

Thái độ và trình độ

Khi được hỏi đâu là yếu tố quan trọng để Qualcomm Việt Nam tuyển dụng nhân sự, trong đó đặc biệt là những ứng viên mới ra trường, ông Hoàng Hưng Hải nhấn mạnh hai yếu tố thái độ và trình độ.

Đầu tiên theo ông Hải, khi tuyển dụng Qualcomm Việt Nam sẽ dựa trên kiến thức mà sinh viên đó đang có sau quá trình học tập trên giảng đường đại học. Yếu tố tiếp theo là công ty sẽ đánh giá sự đam mê, yêu thích ngành nghề của các ứng viên.

“Thông qua các buổi phỏng vấn, chúng tôi sẽ cảm nhận được sự đam mê, yêu thích của ứng viên với ngành”. Các ứng viên có sự đam mê sẽ trả lời vượt qua những vấn đề mà chúng tôi phỏng vấn, thay vào đó sẽ mở rộng vấn đề”, ông Hải cho biết.

Giải bài toán nhân lực: “Chăm từ gốc” thay vì “hái phần ngọn”? - Ảnh 2.

Ông Hoàng Hưng Hải - Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam

Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng thái độ của các ứng viên. Theo ông Hoàng Hưng Hải, chất lượng thực hiện công việc có tốt hay không phụ thuộc lớn vào thái độ. Thái độ của ứng viên được thể hiện đầu tiên qua vòng phỏng vấn, đơn giản nhất là việc chuẩn bị CV (đơn xin việc) thế nào.

“Chúng tôi không yêu cầu một bản CV quá cầu kỳ nhưng đơn xin việc phải thể hiện được sự nghiêm túc của ứng viên”, ông Hoàng Hưng Hải - Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam cho biết.

Theo Thùy An

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên