Giải "bài toán" phục hồi hàng không-du lịch
Lần đầu tiên sau đại dịch COVID-19, lãnh đạo cấp cao của hơn 30 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu và các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau ngồi lại để thảo luận những vấn đề cấp bách đang đặt ra cho ngành dịch vụ hàng không-du lịch.
- 15-12-2022Không có đơn hàng 25 doanh nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu cắt giảm giờ làm
- 13-12-2022Đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng cảng biển, hàng không và trung tâm đổi mới sáng tạo
- 12-12-2022Các hãng hàng không đồng loạt tăng chuyến phục vụ Tết Quý Mão
Ngày 16-12 tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức hội nghị bàn tròn với chủ đề Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp: Giải pháp tạo sự bứt phát từ trụ cột "Dịch vụ hàng không-Du lịch ".
Đây là lần đầu tiên sau đại dịch COVID-19, lãnh đạo cấp cao của hơn 30 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu và các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau ngồi lại để thảo luận những vấn đề cấp bách đang đặt ra cho ngành dịch vụ hàng không-du lịch trong chặng đường phục hồi đầy khó khăn phía trước.
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Đà phục hồi kinh tế đến từ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và được hỗ trợ bởi các trụ đỡ nông nghiệp, sự phục hồi nhanh của khu vực sản xuất, chế biến và tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành dịch vụ du lịch-hàng không chưa phục hồi như kỳ vọng.
Về tổng quan, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh hơn dự báo ở thị trường nội địa, gia tăng hơn 100 triệu lượt khách so với kế hoạch đề ra là 85 triệu khách nhưng du lịch quốc tế không đạt tốc độ phục hồi như dự kiến. Ước tính cả năm, chúng ta sẽ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 5 triệu lượt khách đến vào năm 2022 và tạo doanh thu khoảng 4,5 tỉ USD.
Khách du lịch quốc tế đến đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng doanh thu của ngành du lịch. Trong 3 năm trước đại dịch COVID-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỉ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỉ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Những con số này cho thấy du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, góp phần đem lại nguồn thu cho đất nước.
Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu về thu hút khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch. Đơn cử, Thái Lan đã đạt mốc mục tiêu 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đặt ra cho cả năm 2022 ngay từ đầu tháng 12, mang lại tổng thu 14 tỉ đô la Mỹ. Trong 2 tháng cuối năm 2022, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại đạt gần với mức trước COVID. Trong khi không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước COVID-19.
Tại hội nghị bàn tròn này, các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và đại diện cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung thảo luận để làm rõ nguyên nhân vì sao Việt Nam không đạt kế hoạch thu hút 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và đứng cuối bảng xếp hạng phục hồi du lịch quốc tế so với các nước trong khu vực dù chúng ta là một trong những quốc gia có lợi thế về mở cửa sớm nhất, ngày 15-3-2022. Từ đó thống nhất đề xuất các giải pháp cấp bách cho năm 2023 để hàng không-du lịch thực sự phục hồi, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong hội nghị toàn quốc sắp diễn ra.
Người lao động