MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải bài toán thiếu hụt nhân lực sau Tết: Câu chuyện không chỉ của riêng doanh nghiệp

09-02-2022 - 11:21 AM | Doanh nghiệp

Giải bài toán thiếu hụt nhân lực sau Tết: Câu chuyện không chỉ của riêng doanh nghiệp

Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp lại đau đầu với tình trạng thiếu nhân công. Năm nay, tình trạng này nghiêm trọng hơn bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 trước Tết.

Công ty giày Viễn Thịnh đã lên kế hoạch sẽ rao tuyển thêm 500 người từ sau tết âm lịch 2022 để mở rộng sản xuất, đáp ứng hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đang chờ sẵn.

Giải bài toán thiếu hụt nhân lực sau Tết: Câu chuyện không chỉ của riêng doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nguồn lao động cho ngành may tại TP. HCM đang thiếu khoảng 10% sau khi một số lao động về quê đợt dịch nửa cuối năm 2021 vẫn chưa trở lại.

Thiếu hụt thêm trầm trọng

Theo ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh, thông thường mỗi dịp Tết thì lượng nhân sự công ty cũng sẽ bị giảm khoảng 10%. Riêng năm nay, công ty cũng đã thiếu ở mức này trong suốt vài tháng qua dù cũng rao tuyển thường xuyên và nâng mức lương lên thêm khoảng 1 triệu, lên từ 13 - 16 triệu đồng/người so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, đến nay vẫn chỉ có 1.600 lao động, chưa đủ được 100% số lượng lao động cần có.

Theo đại diện Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, nguồn lao động cho ngành may tại TP. HCM đang thiếu khoảng 10% sau khi một số lao động về quê đợt dịch nửa cuối năm 2021 vẫn chưa trở lại. Do đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đang lo lắng về nguồn lao động sẽ thiếu trầm trọng hơn sau Tết, đặc biệt là lao động thời vụ trong khi đơn hàng xuất khẩu đa số đều có đủ đến giữa năm.

Trao đổi với DĐDN, TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận định, khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 kéo theo khủng hoảng lao động nghiêm trọng.

Đặc biệt tình trạng thiếu hụt trầm trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do phân bổ cơ cấu theo khu vực địa lý tập trung ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền trung và ĐBSCL. Thống kê, vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ thường thiếu 10% - 20% so với nhu cầu tuyển dụng thực tế.

“Cụ thể, các tỉnh, thành trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thiết hụt lao động trầm trọng; trong khi một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lại dôi dư lao động đột biến, thị trường việc làm không thể hấp thụ, dẫn đến tình trạng thất nghiệp khi cầu lao động không lớn”, TS Nhạc Phan Linh nhấn mạnh.

Do đó, yêu cầu phân bổ lại lực lượng lao động theo khu vực địa lý, giữa các vùng miền, giữa các vùng kinh tế trọng điểm với các tỉnh thành khác là cấp thiết để góp phần giảm tải, giải được cả bài toán về các vấn đề về hạ tầng như nhà ở, chỗ ở, không gian sinh hoạt cho công nhân... Đặc biệt, tránh được hiện tượng di cư, nhập cư, tản cư ồ ạt, khó kiểm soát như đợt dịch lần thứ tư vừa qua. “Với hơn 1,3 triệu người di chuyển hồi hương, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ”, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhắc lại.

> Nền tảng cơ cấu kinh tế tạo đà bứt phá

Bài toán lớn cho phục hồi kinh tế

TS Nhạc Phan Linh cũng nhấn mạnh, cần có chính sách khuyến khích lao động quay lại sản xuất, quay lại các trung tâm công nghiệp. Trong đó, đặc biệt cần vai trò phối hợp giữa các địa phương, giữa địa phương có nhu cầu tuyển dụng và địa phương có nguồn lao động.

Giải bài toán thiếu hụt nhân lực sau Tết: Câu chuyện không chỉ của riêng doanh nghiệp - Ảnh 2.

Với hơn 1,3 triệu người di chuyển hồi hương, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ.

Bên cạnh đó, phải nhanh chóng cung cấp nhà ở cho công nhân, ổn đây là giải pháp lâu dài, có “an cư” mới “lạc nghiệp”, có vậy người lao động mới an tâm quay lại các trung tâm công nghiệp. Đồng thời, có chính sách đào tạo lại nghề và chuyển đổi nghề cho người lao động.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, nguồn nhân lực lao động là một trong những bài toán lớn nhất trong quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch, đặc biệt là của TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam.

“Thiếu hụt lao động, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp vốn đang sức yếu, vừa mới trở lại sẽ càng giảm năng suất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng quy mô toàn quốc, thậm chí là toàn cầu. Nếu tình trạng này kéo dài, các hợp đồng từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ dần chuyển sang nơi khác. Nghiêm trọng hơn là năng lực của chuỗi sản xuất cũng bị dịch chuyển, tác động rất lớn tới kinh tế của cả nước nói chung. Một cuộc khủng hoảng lao động có thể sẽ xảy ra khi nơi thừa, nơi thiếu”, TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

Mặt khác, ông Dũng cho rằng, các doanh nghiệp dù muốn “lôi kéo” lao động thông qua trả lương cao nhưng cũng đã kiệt sức.

Do đó, muốn có nhiều cách thức, nhiều giải pháp, nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn để níu chân, huy động, đào tạo trở lại lực lượng lao động khôi phục cả về chất và lượng thì doanh nghiệp phải dựa vào sự hỗ trợ từ chính sách như giảm thuế, phí…

“Cần một chiến lược, chương trình mang tầm quốc gia, cả hệ thống vào cuộc với bàn tay điều phối của Chính phủ đi cùng những quyết sách, chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía trung ương. Đây không thể chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp hoặc của riêng TP.HCM”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên