MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải chấp lớn, nắm cán cũng rủi ro

Giải chấp là tình huống NĐT hay CTCK buộc phải “xả hàng” CP để thu hồi lại lượng tiền margin và có thể diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Vậy nên khi các NĐT lớn, cổ đông lớn bị giải chấp, thường hệ lụy cũng không hề nhỏ.

Sẵn sàng mở hầu bao margin

Từ 16 đến 23-8, cựu Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành (TTF), ông Võ Trường Thành, đã bán giải chấp gần 7 triệu CP. Đây là một con số không hề nhỏ khi chiếm khoảng 4,8% cổ phần của TTF. Cần biết giai đoạn TTF tăng giá phơi phới và chưa xảy ra scandal liên quan đến thiếu hụt hàng tồn kho, CP này khớp từ 0,5-1 triệu CP/phiên, nghĩa là để bán hết 7 triệu CP cũng cần đến cả chục phiên.

Những trường hợp giải chấp từ cổ đông lớn như JVC, TTF lâu lâu mới xuất hiện, nhưng chừng đó cũng đủ tạo nên những cú sốc rất lớn trên thị trường theo kiểu nhà giàu… chơi trội. Và nó luôn là một rủi ro tiềm ẩn trên thị trường.

7 triệu CP nếu tính theo giá vùng đỉnh của TTF hồi giữa tháng 7 vừa qua là 4.3 sẽ tương đương 300 tỷ đồng. Hay như vào tháng 6-2015, CP JVC (Thiết bị Y tế Việt Nhật) đã có hơn chục phiên giảm sàn do ảnh hưởng từ việc cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Hướng bị khởi tố. Cũng trong giai đoạn này, CTCK VPBS đã bán giải chấp hơn 2 triệu CP JVC của ông Lê Văn Hướng.

Điều dễ thấy là khi một lượng lớn CP rơi vào vòng xoáy giải chấp, hệ quả sẽ khôn lường. Cung lớn khiến áp lực giảm giá mạnh, giảm giá càng mạnh bên bán càng phải tìm cách thoát hàng nhanh chóng và thua lỗ là điều không thể tránh khỏi. Thua lỗ ở đây có thể thuộc về những NĐT bị giải chấp, nhưng trong trường hợp CTCK chạy không kịp đương nhiên cũng sẽ bị âm vào vốn đã cho margin. Trong ngắn hạn, khi một lượng cung rất lớn CP bị giải chấp, dù giá có rẻ cũng có thể rẻ hơn nên bên bán không vội gì phải gom hàng. Như vậy, đối với CTCK có khi một đợt thị trường giảm mạnh hay một CP nào đó giảm mạnh và phải tiến hành trong số rất nhiều tài khoản giải chấp, chỉ cần một vài tài khoản bán ra không kịp có khi cũng bị ảnh hưởng đáng kể tới nguồn vốn.

Những trường hợp của ông Lê Văn Hướng hay ông Võ Trường Thành đặt ra câu hỏi liệu còn có bao nhiêu trường hợp tương tự, tức sở hữu sẵn một lượng CP lớn sau đó đem đến CTCK làm tài sản đảm bảo và tiến hành vay margin để mua tiếp CK? Nghĩa là trong số CP những người này sở hữu, ngoài vốn tự có còn cả vốn margin. Trong khi đó việc này hiện không có yêu cầu về công bố thông tin (CBTT), nhưng nhìn vào cách thức cung cấp margin từ CTCK cho khách hàng sẽ thấy nếu có nhiều trường hợp tương tự. NĐT sở hữu vài triệu đồng cũng được vay margin, nên việc khách hàng sở hữu hàng triệu CP lại còn đang niêm yết, thanh khoản tốt được cấp margin cũng rất bình thường. Chưa kể đến việc muốn mời được những khách hàng là những người đứng đầu doanh nghiệp về mở tài khoản không phải dễ, cũng phải tạo nhiều cơ hội, điều kiện thật tốt.

Thế khó của CTCK

Tuy nhiên, margin một lượng lớn CP tất yếu cũng kéo theo những rủi ro cho CTCK. Thực tế các CTCK đều có một hạn mức (room) margin cho từng loại CP khác nhau, tùy theo các quy định của cơ quan quản lý và chính sách quản trị rủi ro của mình. Như vậy, nếu tiền margin dồn vào một hay vài tài khoản lớn cũng đồng nghĩa với việc có thể giảm đi khả năng chảy vào những tài khoản khác. Trong trường hợp này, CTCK rõ ràng rơi vào thế khó, bởi lẽ nếu đưa ra những điều kiện đối đãi với khách hàng lớn nhưng lại khá thận trọng sẽ không thuyết phục. Nhưng nếu chiều chuộng quá mức, rủi ro là không thể tránh khỏi.

Như đã biết, dòng tiền margin trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng rất lớn đến biến động của CP. CP bị hết hạn mức margin, NĐT không được vay mua thêm, có khả năng sẽ mất đi lực tăng giá, hoặc không có lực đỡ, có khi từ trend (xu hướng) tăng chuyển sang giảm. Nhưng kịch bản có thể xấu hơn nữa trong trường hợp CP giảm giá và những tài khoản lớn nhất cũng sử dụng margin tỷ lệ cao bắt đầu thua lỗ. Các tài khoản này sẽ phải tìm cách bán bớt CP để cân bằng trạng thái nợ/vốn, hoặc dồn hết sức mua để giữ giá CP. Nếu mọi chuyện không khả quan hơn, tức CP vẫn bị xả hàng và giảm, không có cách nào khác các tài khoản có margin lớn nhất cũng phải bán để tránh việc bị các CTCK giải chấp.

Nói đến việc giải chấp của CTCK cũng có nhiều điều thú vị. Khi các khách hàng lớn đem hàng triệu CP làm tài sản đảm bảo để vay margin, thường CTCK cũng soạn thảo những hợp đồng kỹ lưỡng, đặc biệt trong việc giải chấp thường là được toàn quyết quyết định nếu có biến động tiêu cực. Nghĩa là CTCK cũng có quyền hành xử, mua bán đối với CP đó giống như một người sở hữu, nên có thể ví như… cổ đông. Chỉ có điều, khi CTCK phải sử dụng đến quyền này cũng không lấy gì làm vui vẻ, vì khi giải chấp, nếu bán nhiều ngày mới xong tức làm cổ đông lớn bất đắc dĩ.

Theo Minh Trang

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên