MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Giải cứu” ngành chăn nuôi lợn: Đâu là giải pháp căn cơ?

Tăng trưởng quá “nóng,” cung liên tục vượt cầu, trong khi thị trường nhập khẩu Trung Quốc thì không ổn định.

Đó là những nguyên nhân chính khiến ngành chăn nuôi lợn của cả nước hiện như “ngồi trên đống lửa.” Giá lợn hơi hiện xuống thấp chạm đáy, nhiều trang trại, người nuôi rơi vào tình trạng phá sản.

Người chăn nuôi rơi vào “cùng cực”

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, thông thường mỗi năm, cả nước chỉ sản xuất khoảng 27,5 triệu con lợn. Với số lượng này vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu một phần sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2016, giá lợn hơi trong nước tăng mạnh do nhu cầu xuất sang Trung Quốc tăng đã khiến nhiều người dân đổ xô vào nuôi lợn, nhất là ở Đồng Nai, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Tổng đàn lợn của cả nước trong những tháng đầu năm 2017 đã lên đến gần 30 triệu con.

“Từ tháng 11/2016 đến nay, Trung Quốc lấy lý do thịt lợn Việt Nam nhiễm khuẩn Salmonella để tạm dừng nhập khẩu thịt lợn. Sản xuất quá nhiều trong khi xuất khẩu lại bị “ách tắc” đã khiến ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng,” ông Vang cho biết.

Tại “thủ phủ” nuôi lợn của cả nước, nhiều hộ chăn nuôi lợn Đồng Nai đang trong tình cảnh hết sức khốn đốn, “tiến” không được mà “lui” cũng không xong.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, nhiều hộ nuôi ở Đồng Nai thậm chí giờ không còn tiền để lấy thức ăn, chưa kể tiền nợ ngân hàng nhưng vẫn phải gắng nuôi cầm chừng, vì không có thương lái đến thu mua. Hàng loạt trang trại bị thua lỗ nặng nề, người chăn nuôi rơi vào cảnh phá sản, không còn vốn để tái đàn.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, người chăn nuôi lợn đang rơi vào “cùng cực” trong vòng xoáy giảm giá. Cách đây khoảng 4-5 tháng, các trang trại này đã phải bỏ ra 2,2 triệu đồng/con để mua con giống (lợn giống thường có trọng lượng 20 kg/con).

Thế nhưng, thời điểm này, nhiều trang trại xuất lợn hơi ở Đồng Nai chỉ bán được ở mức 24.000 đồng/kg, với năng suất trung bình 110 kg/con thì nhận được hơn 2,6 triệu đồng/con.

Với mức giá bán như trên, hầu như người nuôi mất trắng tiền mua thức ăn chăn nuôi, tiền công nuôi… trong những tháng qua. Không chỉ riêng người chăn nuôi lợn thua lỗ, một số mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị cũng bị vạ lây theo.

Ngoài ra, với lượng lợn nái trên cả nước hiện nay khoảng 4,2 triệu con là con số quá khủng khiếp, đứng thứ 4 trên thế giới.

Do vậy, lời giải đầu tiên cho việc cứu ngành chăn nuôi lợn được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định là bắt buộc phải giảm đàn lợn nái, chọn lựa, giữ lại giống tốt. Loại bỏ lợn nái từ lứa 6 trở lên, đồng thời phải có trợ giá cho người chăn nuôi vượt qua khốn khó này.

Kêu gọi doanh nghiệp chế biến vào cuộc

Để từng bước ổn định và phát triển ngành chăn nuôi nói chung, nhất là đối với chăn nuôi lợn, ngày 12/4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp giải cứu ngành.

Trong đó, có nội dung yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Corp… tăng cường thu mua giết mổ cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong các tháng mùa Hè sắp tới. Đây được xem là một trong những giải pháp trước mắt để giải cứu ngành chăn nuôi lợn hiện nay, nhất là loại lợn đã quá lứa, hơn 110 kg/con.

Trước tình hình nguồn cung thịt lợn đang ở mức cao như hiện nay, một số doanh nghiệp cũng đã tăng cường việc cấp đông dữ trữ thịt lợn. Đơn cử như Vissan hiện cũng đã tăng giết mổ thêm 1.000 con đưa vào nguồn dự trữ.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để thực sự kêu gọi được doanh nghiệp tham gia vào vấn đề này, cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trên thực tế việc dự trữ thịt lợn còn khá nhiều rủi ro. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có thống kê, đánh giá năng lực cấp đông của các doanh nghiệp và nhu cầu tiêu thụ loại thực phẩm này.

Ngoài việc cấp đông dự trữ, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế để các doanh nghiệp đẩy mạnh việc xuất khẩu lợn sữa.

Dưới góc độ của một chuyên gia trong ngành, tiến sỹ Kiều Minh Lực, Công ty cổ phần CP Việt Nam cho rằng, thay vì đì tìm giải pháp xử lý lượng lợn thịt dư thừa ở khối lượng 100 kg thì xử lý đông lạnh lợn sữa là biện pháp kinh tế và cần kíp, nhất là với những trang trại không còn chuồng nuôi lợn thịt vì lượng lợn tồn chưa xuất bán được.

Hiện nay, do giá lợn thịt giảm nên giá lợn sữa cũng có phần giảm theo, các công ty thu mua lợn sữa đem cấp đông để xuất khẩu cũng sẽ thuận lợi về mặt giá cả.

Theo tiến sỹ Kiều Minh Lực, hiện xuất khẩu thịt lợn vẫn đang bế tắc thì xuất khẩu lợn sữa lại đang có đầu ra, có thị trường nhất định. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có những chính sách khuyến khích các công ty đẩy mạnh xuất khẩu lợn sữa, qua đó, góp phần quan trọng vào việc giảm bớt đàn lợn con đang quá dư thừa hiện nay.

Quy hoạch lại vùng nuôi

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng này tăng trưởng "nóng" trong ngành chăn nuôi lợn hiện nay, bắt buộc phải sử dụng biện pháp hành chính, nghĩa là phải có quy hoạch từng vùng.

Dựa trên cơ sở đó, hộ nông dân nào muốn chăn nuôi phải đăng ký, phải có mã số trang trại, đáp ứng đủ các tiêu chí về xử lý môi trường, đảm bảo yêu cầu về diện tích trang trại… Đây cũng là điều mà các nước tiên tiến đang áp dụng hiện nay.

“Chẳng hạn như ở Đồng Nai chỉ được phát triển cỡ 1,4 triệu con lợn chứ không để vượt mức lên 2 triệu con như hiện nay rồi mới quay ra tìm đầu ra. Sau khi có quy hoạch rồi thì sẽ giao về cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý việc phát triển đàn,” ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai dẫn chứng.

Đồng quan điểm này, ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho rằng, việc hoạch định về chiến lược chăn nuôi cần xác định nơi có ưu thế về chăn nuôi, sau đó đặt ra hạn ngạch về số trang trại được cấp phép, số lượng đầu lợn được phép nuôi.

“Nếu trang trại chỉ được phép nuôi 1.000 con mà nuôi nhiều hơn thì buộc phải đóng thuế môi trường gấp nhiều lần. Đối với xuất khẩu, khi nào doanh nghiệp mở được thị trường thì mới mở rộng chăn nuôi. Điều này sẽ giúp Nhà nước quản lý được sản lượng, chứ không như hiện nay, ai muốn nuôi thì nuôi, ai muốn ngưng thì ngưng,” ông Mười nói.

Các chuyên gia cho rằng, để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững trong thời gian tới, về giải pháp lâu dài, phải tổ chức lại chuỗi sản xuất, nâng cao năng suất lên để tăng hiệu quả.

Chỉ khi chăn nuôi có chỉ dẫn địa lý và có uy tín trên thế giới thì việc xuất khẩu sang các nước sẽ dễ dàng được chấp nhận. Ngoài ra, phải chuyên nghiệp hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tỉ lệ tiêu tốn thức ăn giảm xuống.

“Các nước chỉ tiêu tốn 2,2kg thức ăn cho mỗi kg tăng trọng nhưng ở Việt Nam thì tới 2,8-3kg. Do vậy, phải làm sao kéo xuống 2,4 kg/kg thịt thì giá thành chăn nuôi sẽ giảm xuống. Hiện tại, giá thành lợn là 38.000 đồng/kg, làm sao kéo xuống mức 30.000 đồng/kg thì mới có thể cạnh tranh được. Với mức giá này, giá thịt lợn Việt Nam vẫn cao hơn các nước nhưng khoảng cách không còn xa, tương tự Thái Lan là được rồi,” đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất./.

Theo Hứa Chung

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên