MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam còn rất ngắn

Giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam còn rất ngắn

Thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" của Việt Nam được dự báo kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039, nghĩa là chỉ còn 19 năm nữa...

Nguy cơ rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già"

Theo tiêu chí thất nghiệp của Tổ chức Lao động Quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới.

Đặc biệt, chỉ số phát triển con người của Việt Nam năm 2019 đạt 0,704, được xếp vào nhóm "các quốc gia phát triển con người cao", đứng ở vị trí 117 trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Hội thảo "Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, tốc độ tăng dân số nước ta hiện nay được kiểm soát ở mức hợp lý, tuổi thọ bình quân của người dân được cải thiện nhanh, trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động ngày càng tiến bộ.

Theo Thứ trưởng thông tin, trong thị thường lao động, tỷ lệ dân số có việc làm luôn ở mức cao và tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp, kể cả trong thời kỳ nước ta chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực năm 1997, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 hay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.

Tuy vậy, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, hiện đang trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" đồng thời với xu hướng già hóa dân số diễn ra rất nhanh.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê và Quỹ phát triển Dân số của Liên hợp quốc, thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" của Việt Nam kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039, nghĩa là chỉ còn 19 năm nữa.

Cùng với đó, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già khoảng 26 năm, từ năm 2011 đến năm 2036 - đây là khoảng thời gian chuyển đổi rất ngắn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới.

"Đặc biệt, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước cũng già hoá khác, đã và đang tạo ra nguy cơ rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già" nếu chúng ta không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng và có các biện pháp thích ứng hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số", Thứ trưởng Lê Văn Thanh quan ngại.

Hai vấn đề cơ bản đặt ra cho dân số Việt Nam

Với thực tế hiện nay, Thứ trưởng Lê văn Thanh cho rằng có hai vấn đề cơ bản đặt ra cho Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, thời gian cho phát huy lợi thế cơ cấu "dân số vàng" không còn nhiều trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chất lượng việc làm chưa cao.

Đến nay, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ mới đạt 24,5%, nếu tính cả số việc làm trong khu vực nông nghiệp thì tỷ lệ việc làm phi chính thức còn chiếm hơn 2/3 tổng số việc làm của toàn nền kinh tế. Thực tế này là rào cản đối với việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kìm hãm nỗ lực tăng nhanh năng suất lao động.

Thứ hai, tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ.

Đến nay, mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng; hệ thống dịch vụ chăm sóc  người cao tuổi còn chưa đầy đủ cả về số lượng và chất lượng.

Thực tế này làm gia tăng gánh nặng an sinh xã hội cho ngân sách nhà nước và đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Dân số Việt Nam đến hết 2020: 97,58 triệu người.

Thành thị: 35,93 triệu người.

Nông thôn: 61,65 triệu người.

Nam: 48,59 triệu người.

Nữ: 48,99 triệu người.

Lực lượng lao động: 55,1 triệu người.

Theo N. NGA

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên