Giải mã 300 chuyến xe mất tích ở TP HCM: Bốc hơi hàng ngàn khách mỗi ngày
Với 100 tuyến hoạt động tại đây, Bến xe Miền Đông mới được kỳ vọng thoát ế, thế nhưng thực tế lại không như mong đợi.
- 02-10-2022CLIP: Hiện trường xe khách tông hàng loạt xe máy ở Đà Nẵng
- 18-09-2022Toàn cảnh đường Lê Lợi ở TP.HCM nhộn nhịp xe cộ, tấp nập du khách đi bộ sau 8 năm bị rào chắn
- 04-09-2022Tài xế “chặt chém” du khách, chạy xe vòng vèo bị xử phạt thế nào?
L.T.S: Gần 300 chuyến xe khách liên tỉnh "mất tích" và vắng 2.500 hành khách so với dự kiến là thực tế đang diễn ra tại Bến xe Miền Đông mới (TP HCM) sau 2 tuần tiếp nhận thêm 79 tuyến di dời từ bến xe cũ. Nguyên nhân vì sao, 300 chuyến xe này và con số hành khách được kỳ vọng tới bến đang ở đâu, giải pháp cho câu chuyện này thế nào... là những câu hỏi cần trả lời. Phóng viên Báo Người Lao Động đã vào cuộc với mục tiêu tìm ra đáp án sớm nhất.
Từ ngày 11-10, 79 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định (trừ các tuyến có hành trình chạy qua Quốc lộ 13 - đường Hồ Chí Minh) dời từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ) cũ tại quận Bình Thạnh sang BXMĐ mới ở TP Thủ Đức.
"Sôi động" nhất là... xe buýt
Những ngày sau đó, chúng tôi nhiều lần có mặt tại BXMĐ mới. Ghi nhận cho thấy lượng khách ra vào bến xe dù nhỉnh hơn trước nhưng vẫn thưa thớt. Các quầy vé lác đác khách, lúc đông nhất chỉ tầm 10 người. Một nhân viên quầy cho biết hầu hết khách đặt mua vé qua mạng hoặc điện thoại trước để xe trung chuyển đón trong nội thành nên ít người ra bến mua.
Không chỉ bên trong vắng vẻ, bên ngoài bãi đậu, lượng khách lên xe cũng không nhiều và khoảng 20 ôtô nằm im lìm. Hoạt động "sôi động" nhất lại là xe buýt khi thi thoảng có vài xe ra vào.
Một tài xế tên C. chạy tuyến TP HCM - Quảng Ngãi nói: Vì thấy trước cảnh đìu hiu khi di dời 21 tuyến giai đoạn 1, các doanh nghiệp vận tải đã chuẩn bị tâm lý và tính hướng xoay xở. Dù vẫn chuyển tuyến vào bến mới nhưng đa phần doanh nghiệp chỉ đưa vào 1/3 số xe để đối phó, còn lại chuyển sang chạy hợp đồng hoặc "chạy dù" bên ngoài.
Lác đác hành khách đến Bến xe Miền Đông mới mua vé về quê
Trước đó, từ ngày 11-10, BXMĐ mới tiếp nhận 79 tuyến xe khách đang hoạt động tại BXMĐ cũ đi 15 tỉnh, thành gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau. Cùng với đợt 1 (2 năm trước) di dời 21 tuyến, tổng cộng có 100 tuyến xe hoạt động tại đây nên bến xe lớn nhất nước này được nhận định "hết ế".
Thế nhưng, theo đại diện BXMĐ mới, số lượng xe có dấu hiệu giảm sau khi di dời từ bến cũ qua bến mới. Cụ thể, với việc thêm 79 tuyến cùng khoảng 1.600 xe, bến sẽ hoạt động hơn 500 chuyến, tương ứng 5.000 - 5.500 khách/ngày. Thế nhưng, thực tế mỗi ngày chỉ có khoảng 205 chuyến xuất bến với khoảng 2.500 khách. Như vậy, gần 300 chuyến xe "mất tích", khách đi cũng vơi một nửa.
Trong 2 tuần di dời, tỉ lệ số chuyến thực hiện chỉ đạt 41% so với trước khi di dời và đạt 20% so với số chuyến đăng ký thực hiện. Những nhà xe không còn hoạt động trong bến chủ yếu là chạy các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định.
Chủ đầu tư BXMĐ mới "cầu cứu"
Để ngăn chặn tình trạng xe khách bỏ BXMĐ mới, chủ đầu tư bến này là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) gửi văn bản "cầu cứu" lãnh đạo UBND thành phố.
Cụ thể, SAMCO đã báo cáo chủ tịch UBND thành phố về những tồn tại, vướng mắc làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của bến xe. Theo đó, khi có thông tin về việc di dời các tuyến xe khách đến BXMĐ mới (giai đoạn 2), một số đơn vị vận tải liên quan đến việc di dời đã có xu hướng chuyển hoạt động sang các bến xe khác trong thành phố. Ngay từ tháng 8-2022, các đơn vị vận tải đã điều chuyển 28 tuyến đường với 86 chuyến/ngày đến hoạt động tại các bến xe khác. Nhiều đơn vị sử dụng loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng để tổ chức vận tải hành khách như tuyến cố định (bán vé, tổ chức đón khách, trả khách tại nhiều địa điểm trong thành phố).
Việc phân luồng, phân tuyến tại các bến xe vẫn chưa được sắp xếp hợp lý để kết hợp hiệu quả với hệ thống vận tải hành khách công cộng. Các xe chạy vào trung tâm thành phố đón trả khách, nhận trả hàng hóa, phát sinh "xe dù, bến cóc", gây khó khăn cho các đơn vị vận tải hoạt động tại BXMĐ mới... cũng là những vấn đề SAMCO nêu lên.
Bến xe Miền Đông mới đìu hiu, dù có gần 100 tuyến hoạt động từ ngày 11-10. Ảnh: ANH VŨ
Để nâng cao hiệu quả khai thác, SAMCO kiến nghị thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại BXMĐ mới để đơn vị có đủ điều kiện mời các đối tác chuyên nghiệp cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ khách và các đơn vị vận tải bên trong bến xe theo đúng quy định.
SAMCO cũng kiến nghị Sở GTVT TP HCM chưa xem xét việc đăng ký khai thác tuyến đối với các tuyến đề nghị mở mới. Đây là những tuyến có trong danh sách các tuyến di dời từ BXMĐ hiện hữu sang BXMĐ mới nhưng chưa nằm trong danh mục mạng lưới tuyến đã được Bộ GTVT công bố.
Ngoài ra, SAMCO kiến nghị Sở GTVT ban hành quy định cấm xe giường nằm và xe có sức chứa, kích thước tương đương vào khu vực trung tâm. Đồng thời, cơ quan chức năng cần xử lý triệt để tình trạng "xe dù, bến cóc" trong nội thành và xe hoạt động không đúng hành trình đăng ký; tổ chức phân luồng các tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định tại các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố.
Người dân chưa quen
Theo tìm hiểu, nhiều người dân e ngại vì lộ trình di chuyển từ bến xe cũ qua bến xe mới quá xa. Không ít trường hợp đi xe máy, xe buýt bị lạc đường, trễ chuyến xe.
Nhìn nhận BXMĐ mới khá hiện đại, khang trang nhưng ông Nguyễn Trà Vinh (ngụ quận Bình Thạnh) kém vui vì phải tốn thêm chi phí đi lại. "Biết bến xe dời đi xa nên tôi đã hỏi trước thông tin từ bạn bè để đón xe buýt cho đỡ chi phí nhưng loay hoay một lúc chẳng biết đón ở đâu nên phải đi xe công nghệ, tốn thêm vài trăm ngàn. Do đó, cần có thêm nhiều phương tiện kết nối hành khách từ trung tâm ra bến xe mới để đỡ tốn chi phí và thời gian" - ông Vinh nói.
Nhiều tuyến xe buýt kết nối bến xe mới
Để giúp hành khách dễ dàng tiếp cận BXMĐ mới, từ ngày 22-10, BXMĐ mới tổ chức 2 xe buýt trung chuyển hành khách. 2 xe buýt này chạy tổng cộng 12 chuyến mỗi ngày để trung chuyển hành khách miễn phí giữa hai bến. Xe buýt được sử dụng là B60 với 60 chỗ.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM tổ chức 5 tuyến xe buýt có trợ giá và 4 tuyến xe buýt không trợ giá kết nối vào bến xe mới.
Các tuyến xe buýt có trợ giá gồm: Tuyến xe buýt số 55 (Công viên Phần mềm Quang Trung - Khu Công nghệ cao - BXMĐ mới), tuyến số 56 (Bến xe Chợ Lớn - Trường ĐH Giao thông Vận tải - BXMĐ mới), tuyến số 76 (Long Phước - Suối Tiên - BXMĐ mới), tuyến số 93 (Bến Thành - BXMĐ mới), tuyến số 150 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Ngã ba Tân Vạn).
4 tuyến xe buýt không trợ giá gồm: Tuyến số 60-1 (Bến xe Miền Tây - Bến xe Biên Hòa), tuyến số 60-2 (Trường ĐH Nông Lâm - Bến xe Phú Túc), tuyến số 60-3 (BXMĐ mới - Khu Công nghiệp Nhơn Trạch), tuyến số 60-4 (BXMĐ mới - Khu Công nghiệp Sông Mây).
(Còn tiếp)
Người lao động